PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu ý kiến này tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục mầm non" do trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tổ chức, sáng 16/8. Hội thảo có giáo viên và các nhà quản lý giáo dục mầm non ở 63 tỉnh, thành.
Ông Minh nhìn nhận AI ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực cuộc sống, trong đó có giáo dục mầm non. Nó có thể cung cấp kiến thức, là công cụ tốt nhưng việc truyền cảm hứng, xây dựng động cơ, tình cảm, cảm xúc phải do con người thực hiện. Vì thế, AI không thể thay thế giáo viên trong tương lai.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, giáo viên mầm non có thể sử dụng AI như một trợ lý ảo để hỗ trợ quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Chẳng hạn, công cụ này có thể giúp giáo viên phát triển nội dung, chương trình học hấp dẫn và phù hợp với độ tuổi của trẻ; báo cáo về sự tiến bộ của trẻ qua thời gian, chỉ ra những điểm đã được cải thiện hoặc đưa ra gợi ý điều chỉnh.
Các chatbot hoặc ứng dụng AI khác có thể tương tác với trẻ, giúp các em phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội. Nó cũng điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học dựa trên nhu cầu và khả năng của từng em. Ngoài ra, AI còn giúp giáo viên quản lý lớp học.
TS Kim Mạnh Tuấn, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, việc giới thiệu AI cho trẻ em ngay từ độ tuổi còn nhỏ đã trở thành một xu hướng. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã phát triển khung năng lực về AI dành cho trẻ em từ 5 đến 18 tuổi.
Đối với trẻ 5 tuổi, mục tiêu là xây dựng nền tảng cho sự hiểu biết và tương tác với AI một cách tự nhiên và tích cực. Một trong những cách hiệu quả nhất là thông qua các trò chơi và ứng dụng học tập.
Ví dụ, ứng dụng ABCmouse hoặc Khan Academy Kids sử dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm học tập, điều chỉnh nội dung và độ khó phù hợp với tiến độ của từng trẻ. Hay với robot Bee-Bot, trẻ có thể học lập trình đơn giản bằng cách nhấn nút để điều khiển hướng di chuyển.
Những ứng dụng trên không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng cơ bản như ngôn ngữ và Toán học, mà còn tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề và sự sáng tạo.
Ông Mạnh Tuấn cho biết trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai các ứng dụng AI trong giáo dục mầm non như Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Australia...
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc sử dụng ứng dụng này cần đảm bảo nguyên tắc bí mật thông tin mạng và phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
PGS.TS Trần Đình Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho hay mầm non là cấp đầu tiên để hình thành nhân cách và nếu định hướng sai sẽ rất nguy hiểm. Việc hình thành nhân cách trẻ phụ thuộc nhiều vào những hoạt động trong lớp học. Do đó, định hướng tổ chức hoạt động, trò chơi phải thận trọng, phù hợp.
"AI chỉ đưa ra những thông tin chung nhất, mang tính tham khảo, còn lại cần sàng lọc, cân nhắc để phát triển tư duy, tính sáng tạo, kỹ năng và nhân cách ngay khi trẻ mới 3 tuổi", ông Tuấn nói.
Ông Mạnh Tuấn cũng lưu ý việc dùng AI trong giáo dục mầm non cần có trách nhiệm, đảm bảo sự cân bằng giữa sử dụng công nghệ và tương tác trực tiếp, tuân thủ quy tắc đạo đức và bảo mật thông tin của trẻ.
"Với cách tiếp cận đúng đắn, AI có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em trong tương lai", ông chia sẻ.
Theo các nhà giáo, đối với nhà quản lý, giáo viên mầm non, trí tuệ nhân tạo hiện vẫn là lĩnh vực mới. Họ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo cũng như ứng dụng vào trường mầm non. Vì thế, Nhà nước cần có hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các thầy cô giáo, cơ sở giáo dục ở địa phương tiếp cận hiệu quả.
Bình Minh