Vào đầu năm 2021, tôi viết bài lên mục Hẹn hò, nhận được khá nhiều thư của các bạn nam, người chưa có gia đình và từng đổ vỡ cũng có. Tất nhiên tôi chọn lọc một số thư để trả lời, trong đó có hai bức thư của người từng có gia đình và đổ vỡ nhưng không giới thiệu về hoàn cảnh với tôi. Một người làm IT, 35 tuổi, không nói rằng mình chưa từng kết hôn hay đã ly hôn, nhưng những lời giới thiệu của anh cứ như mô tả cuộc sống của người chưa từng kết hôn vậy. Tôi tin và nghĩ anh chưa kết hôn bao giờ. Chúng tôi trao đổi khoảng ba, bốn email với nhau là tôi dừng lại vì thấy không hợp.
Một người nữa hơn tôi nhiều tuổi, cũng không giới thiệu đã ly hôn và có con, thế nhưng nhìn thấy số tuổi đã lớn nên tôi hỏi, lúc đó anh mới trả lời đã ly hôn và có hai con. Đến cuối năm 2022, tôi viết thêm một bài nữa, bỗng nhân lại email của anh chàng IT đó nhưng lại nói ra ngay từ đầu là đã ly hôn và có con. Như vậy là, những người đã đổ vỡ sao họ lại giấu đi sự thật như vậy?
Theo riêng tôi nghĩ, họ giấu đi để tiện nói chuyện hơn, họ phải xem xét phía bên bạn gái như thế nào trước. Ví dụ sau khi nói chuyện hoặc gặp nhau, mọi vấn đề có phù hợp hay không, bạn gái có dành tình cảm cho họ hay không, hoặc phía bạn trai cũng vậy. Kiểu như mình có tình cảm thì mới đi tiếp và nói ra sự thật về sau, còn không ổn sẽ rút lui trong im lặng và xem như anh không để lộ vấn đề cuộc hôn nhân trước. Nhưng như thế theo tôi là lừa dối ngay từ đầu, cuộc chơi không đẹp. Các bạn nữ giới thiệu chân thật về mình, còn các bạn nam lại che giấu cái gạch đầu dòng rất quan trọng. Nếu bạn gái không nhìn ra sớm thì yêu nhau rồi mới biết sự thật là việc làm không nên chút nào.
Giống như trường hợp của bạn gái trên, yêu nhau rồi mới biết được hoàn cảnh của anh bạn trai: ly hôn, nợ nần, gia đình không được ổn. Việc anh không ra làm riêng theo ý bạn không phải không thích mà có khi ra làm riêng sẽ không tự chủ được, vất vả hơn, gia đình cũng mất đi một người làm thành thạo công việc, nên gia đình họ không thích bạn là như vậy đấy. Bạn được gì nếu đến với anh ấy? Vẫn có khoản nợ, chăm sóc con gái anh ấy, con chung hai bạn nữa, cũng có chồng nhưng chưa chắc anh ấy đã yêu bạn. Anh ấy không lôi kéo em, em có thể đến với người khác để hạnh phúc hơn mà.
Đến với người từng đổ vỡ, rồi bản thân họ và gia đình họ không coi trọng mình thì thôi em nên dừng lại. Cộng thêm khoản nợ nần thì cưới về kinh tế gia đình mình em gánh còng lưng, vợ cũ anh ấy đã chạy rồi, em lại càng phải cân nhắc thật kỹ. Tôi khuyên em như vậy vì tôi sau khi nói chuyện và tìm hiểu người từng đổ vỡ, tuy là thời gian ngắn nhưng cũng đủ thấy mối quan hệ phức tạp lắm.
Người đàn ông từng đổ vỡ cũng được, nhưng các bạn phải tìm hiểu cho bằng được vì sao họ đổ vỡ, là người chồng cờ bạc, nợ nần, ham chơi lười làm, ngoại tình hay do vợ cũ của họ? Kinh tế của họ đủ để nuôi bản thân và con cái họ không? Đặt trường hợp sinh con chung, họ có đóng góp trách nhiệm nuôi con cùng mình được không? Nhiều trường hợp họ sẽ kể về lý do ly hôn mà phần có lợi nghiêng về phía họ. Tôi chia sẻ với bạn như vậy, việc quyết định đi tiếp hay không là ở bạn. Tôi bước sang tuổi 33, sắp kết hôn với cậu bạn bằng tuổi, làm cùng nhóm trong công ty của tôi. Chúc bạn mạnh mẽ và may mắn.
Thi Nga
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc