From: Anh Viet Phuong
To: webmaster@vnexpress.net
Subject: Xu ly vi pham giao thong - VN can cai to
Gần đây báo chí đã đưa nhiều bài viết phân tích các biện pháp tình thế trong nỗ lực thúc đẩy an toàn giao thông. Tại sao chúng ta không nghiên cứu và áp dụng các biện pháp xử lý nặng, mang tính hệ thống và có nguyên tắc nhất quán trong quản lý an toàn giao thông? Tôi xin góp một số ý kiến như sau:
1. Phạt nặng, mang tính luỹ tiến theo từng lần: ví dụ tội vượt đèn đỏ cần phạt theo luỹ tiến (thậm chí theo cấp số nhân). Mỗi người đi xe máy hay ôtô phải mang theo giấy phép lái xe và giấy lưu hành xe. Do đó, khi bị vi phạm, cảnh sát giao thông chỉ cần ghi biên bản phạt và cho người vi phạm đi tiếp (nếu các giấy tờ hợp lệ). Số tiền phạt cho mỗi lần vi phạm được gửi về địa chỉ cơ quan hoặc địa chỉ nhà của người vi phạm. Nếu có thay đổi địa chỉ, trách nhiệm của công dân phải thông báo với cơ quan có liên quan (công an phường, giao thông công chính, ngân hàng, cơ quan, v.v.). Nếu trả phạt chậm, số tiền phạt cũng sẽ tăng lên theo một mức độ nhất định.
2. Đối với các trường hợp chây ỳ trốn trả tiền phạt hoặc vi phạm nhiều lần, thì trong đợt thi đổi bằng hoặc nâng bằng mới, đăng ký xe mới, không được cấp nữa và thậm chí có thể bị kiện dân sự - hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm.
3. Làm theo cách này, lực lượng cảnh sát giao thông cũng không có cơ sở để nhũng nhiễu hạch sách dân thường. Cảnh sát có chức năng cứ sai là ghi biên lai phạt theo đúng tội, đúng người tại chỗ. Để kiểm soát, cảnh sát có trách nhiệm giám sát và hướng dẫn tốt dân cư trong việc chấp hành an ninh và an toàn giao thông. Cảnh sát khi thực thi công vụ, không cần thu tiền phạt như hiện nay và do đó sẽ hạn chế khả năng kiếm tiền phi pháp của họ.
4. Ngoài ra, việc hạn chế đưa xe vào bãi giam 15 ngày cũng sẽ giải toả được nguồn kinh phí cho lực lượng trông coi và mặt bằng đất đai được sử dụng vào các biện pháp hữu hiệu hơn. Ngân sách nhà nước do đó sẽ tăng do các hình thức xử phạt vi phạm giao thông được tập trung về một mối và ít chi phí hành chính cho các quyết định giam giữ cho các trạm quản lý xe. Tâm lý người dân cũng thấy thoải mái và tự răn đe hơn mình hơn.
5. Thông tin về chấp hành an toàn giao thông có thể được các cơ quan khác quan tâm nhằm đánh giá tư cách công dân của mỗi người. Ví dụ, ngân hàng trước khi xét duyệt một đơn xin vay mua ôtô của khách hàng rất cần thông tin này. Do đó phát triển hệ thống thông tin về giao thông này có thể chỉ cần Chính phủ đầu tư ban đầu, còn thu phí phạt và tiền bán thông tin sẽ đủ để trang trải các chi phí vận hành và hành chính của hệ thống.