Chiều 7/7, bước ra khỏi điểm thi trường THCS thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, sau khi kết thúc môn Toán, ông Rơ Châm Dạy tỏ ra không vui. Người đàn ông người Jara ngồi nán lại trên ghế đá trước sân trường, thở dài. "Hy vọng được 5 điểm. Còn bài thi Văn sáng nay tôi làm khá tốt nên không lo lắm", ông nói.
Ông Dạy từng là công an viên, Phó chủ tịch UBND xã Ia Sao. Từ năm 2016 đến nay, ông làm cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, UBND xã Ia Yok, huyện Ia Grai. Lúc trước ông học hệ 9+3, nên không có bằng cấp ba. Ông đăng ký học bổ túc hệ THPT nhằm chuẩn hóa bằng cấp. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2005, 2006, 2015 ông vẫn rớt tốt nghiệp THPT do không chịu khó ôn luyện.
Thế nên suốt một năm qua, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tối đến ông học bài và làm bài tập. Cứ thứ bảy, chủ nhật ông lại mang sách vở đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai học. "Năm nay tôi quyết lấy bằng được tấm bằng cấp ba vì đã củng cố kiến thức tương đối tốt", thí sinh 42 tuổi nói.
Thi cùng điểm trường với ông Dạy, ông Rơ Châm Hlưnh (52 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất. Do thiếu bằng cấp nên ông đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở huyện Chư Păh. Đây là lần đầu tiên ông dự thi tốt nghiệp THPT.
"Hôm nay tôi làm không được tốt lắm. Tuổi đã lớn nên ghi chép chậm, tư duy cũng không còn nhanh nhẹn. Ngày mai môn Lịch sử, Địa lý mong sao đề dễ, làm được điểm cao bù lại hai môn này", ông Hlưnh nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tỉnh Gia Lai có nhiều cán bộ, công chức đang làm lãnh đạo tại các xã. Riêng huyện Chư Păh có khoảng 30 thí sinh. Họ vừa đảm nhiệm công việc chính tại xã vừa theo học các lớp bổ túc nên gặp nhiều khó khăn trong việc nắm kiến thức, ôn tập.
Gia Lai năm nay có gần 14.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT. 2.300 cán bộ, giáo viên, công an, kiểm soát quân sự, trật tự viên, bảo vệ, nhân viên y tế... tham gia phục vụ kỳ thi tại 39 điểm thi.
Trần Hóa