Tại họp báo chiều 17/8, báo chí đặt vấn đề Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận "vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật", nhưng đang làm Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng địa phương; Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng từng bị cảnh cáo, nhưng hiện làm Phó ban chỉ đạo chống tham nhũng tỉnh. Những trường hợp này sẽ được xử lý ra sao?
Ông Nguyễn Thái Học, Phó ban Nội chính Trung ương, khẳng định cần lựa chọn những người tiêu biểu, gương mẫu, có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng để tham gia Ban chỉ đạo cấp tỉnh. "Tiêu chuẩn phải là số một. Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết", ông Học nói.
Xem xét, giới thiệu, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo phải trải qua quá trình. Những người được bổ nhiệm đã được xác định phẩm chất đạo đức tốt, hội đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, bổ nhiệm, bầu cử vào cương vị lãnh đạo. "Nhưng giờ phát hiện có vi phạm thì sẽ xem xét xử lý nghiêm. Quan trọng là chúng ta không bao che, sai đến đâu xử lý đến đó", ông Học nói.
Về trường hợp Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, ông Học cho biết sẽ yêu cầu xem xét và rà soát; đề nghị địa phương giải trình, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương. "Vi phạm tới mức cảnh cáo thì chắc chắn đã tiêu cực mà làm Phó ban chống tham nhũng thì phải xem lại", ông Học nói.
Ngày 11/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, có trách nhiệm với những sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống Covid-19, trong đó có việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia xét nghiệm trái quy định.
Trước đó tháng 3/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo ông Trần Hồng Quảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ.