"Mọi việc xảy đến rất nhanh", ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch nhớ về buổi chiều tối 6/3. Cuộc gọi thông báo ca nghi vấn dương tính với nCoV mở màn cho chuỗi ngày ông đánh giá là "khó khăn nhất với toàn thể cán bộ, nhân dân phường từ sau ngày đất nước hoà bình".
Trong 10 ngày sau đó, cả Hà Nội đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi 11 ca dương tính với nCoV lần lượt được ghi nhận tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm. Chỉ riêng bốn bệnh nhân ở phường Trúc Bạch, số người tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp phải cách ly tập trung hoặc tại nhà đã hơn 800 người, tính đến ngày 13/3.
Khắp thành phố, cán bộ cấp phường ở Trúc Bạch, Dịch Vọng hay Mai Động - những địa bàn có ca dương tính hoặc F1, F2..., trở thành lực lượng phản ứng cho những tình huống "xảy đến rất nhanh" như thế. Họ gồng mình trong guồng quay công việc chưa từng có: triển khai kế hoạch của thành phố, chịu áp lực dư luận, đảm bảo an toàn cho người dân và tự trấn an bản thân.
Mùng 3 Tết, một khách du lịch đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) "xông đất" phường Trúc Bạch cùng những cơn ho, sốt kéo dài. Lực lượng y tế phải phun khử trùng toàn bộ khách sạn nơi họ lưu trú, cách ly những người tiếp xúc gần. Đoàn khách cho kết quả âm tính, nhưng từ lúc đó, Trúc Bạch đã phải "đi trước các phường một bước" trong phòng, chống dịch.
22h ngày 6/3, Hà Nội triệu tập cuộc họp báo khẩn về ca dương tính nCoV đầu tiên trên địa bàn. Cùng lúc, toàn bộ cán bộ phường Trúc Bạch có mặt tại trụ sở sẵn sàng chờ lệnh. "Cần xác định ngay những người đã tiếp xúc với người tiếp xúc gần", ông Huy yêu cầu các tổ công tác lập danh sách "các F" càng nhanh càng tốt.
Giao nhiệm vụ xong, ông đeo khẩu trang, bước vào nhà số 125 phố Trúc Bạch và những hộ liền kề, vận động người tiếp xúc gần với "bệnh nhân 17" đi cách ly tập trung. Tài xế của cô gái được liệt vào dạng nguy cơ cao khi thường xuyên uống nước, giao lưu với người dân trên phố.
Các tổ công tác chia nhau gõ cửa từng nhà lúc nửa đêm. Cảnh sát khu vực đi trước, y tế phường, tổ trưởng dân phố theo sau, dặn dò cư dân hạn chế ra ngoài và cung cấp cho chính quyền lịch sử đi lại trong 14 ngày. Lần đầu tiên ngày làm việc của các cán bộ phường Trúc Bạch không phải 8 tiếng hành chính như thường lệ. 3h sáng, khi người dân cuối cùng được đưa đi cách ly tập trung, phố xá mới tạm yên ắng.
Sáng hôm sau, thành phố triệu tập một cuộc họp gấp, kéo dài tới tận trưa. Ông Huy gọi người nhà mang quần áo, đồ dùng cá nhân đến trụ sở, bắt đầu những ngày ăn ngủ luôn tại phường.
Toàn phường Trúc Bạch chuyển sang "trực chiến" từ sau đêm 6/3. Trụ sở mới 6 tầng chưa hoàn thiện, dự kiến cuối tháng mới bàn giao được trưng dụng luôn trong đêm. Hơn 100 cán bộ, công chức chuyển trước một phần máy tính, giấy tờ từ trụ sở cũ bên phố Nguyễn Trường Tộ về trụ sở mới ngay cạnh chốt cách ly. Phòng tiếp dân trở thành phòng họp dã chiến. Hai cánh cửa thông ra đầu con phố đang bị cách ly những ngày qua hầu như không khép.
Chuông điện thoại kêu, ông Huy vội vàng nhấn nút từ chối khi thấy cuộc gọi của người thân, sợ nhận rồi sẽ để lỡ những cuộc khác. Ông chỉ dám nhận điện thoại từ số lạ vì biết chắc đó là công việc.
Trong 72 giờ cao điểm, bình quân hai phút điện thoại ông đổ chuông một lần, bất kể ngày đêm. Có những cuộc gọi đến lúc 5h39. Chỉ cần ấn nút nghe và buông máy xuống, màn hình lập tức hiện lên 3, 4 cuộc gọi nhỡ khác. Bật kết nối mạng, điện thoại xổ ầm ầm tin nhắn trong các nhóm chat.
Ông chủ tịch phường không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu cuộc họp trực tuyến lẫn trực tiếp trong suốt 10 ngày qua. 2h sáng, cuộc họp với thành phố kết thúc. 3h, đèn trong trụ sở phường vẫn sáng khi dân quân, công an phường, y tế đang nhận việc ngày hôm sau.
Bốn ca dương tính nCoV từ 17 đến 21 đều cư trú ở phường Trúc Bạch. Ba tuyến phố liên quan có gần 500 người phải cách ly. "Để ổn định đời sống, tâm lý cho hơn 500 người không phải là điều dễ. Từ trước đến nay mình nào đã trải qua những việc như thế, lúc nào cũng phải vắt óc mà suy nghĩ", ông Huy chia sẻ. Ngoài 500 người bị cách ly, phường vẫn còn gần 8.000 cư dân cần phòng dịch. Thành phố Hà Nội, quận Ba Đình đều có chỉ đạo hoặc hướng dẫn nhưng không thể làm thay phần việc của cấp phường.
Nhu yếu phẩm được quận chuyển về mỗi sáng. Phường trao tận tay cư dân vùng cách ly mỗi ngày hai cân gạo, thịt, cá, rau xanh. Riêng 7 người nước ngoài cư trú trong phố "không quen nấu nướng như người Việt" được cấp khẩu phần riêng, thêm bánh mì, sữa tươi, hoa quả.
Có những tình huống bắt buộc người đứng mũi chịu sào phải ra quyết định nhanh. Sáng 9/3, một người dân trong phố Trúc Bạch bị bệnh tiểu đường lâu năm, tụt huyết áp phải ra ngoài khám. Nếu người này ra ngoài thì lực lượng hùng hậu gồm y tá, cảnh sát phải đi theo, xe cấp cứu, bố trí phòng khám riêng. Bác sĩ khám xong có thể phải cách ly 14 ngày theo quy định. Một quy trình mất thời gian mà chưa chắc an toàn bởi nguy cơ lây nhiễm cao. Cuối cùng ông Huy bàn với trưởng trạm y tế phường, cử cán bộ y tế lấy mẫu máu bệnh nhân tại nhà mang đến Bệnh viện Thanh Nhàn xét nghiệm nhanh, rồi lấy thuốc về cho bệnh nhân khi có kết quả. Hiện tại, sức khoẻ người bệnh đã bình thường.
Ngày này những năm trước, bà Trần Thị Hồng Tuyết thường xuyên lên loa phường đọc bản tin tuyên truyền người dân phòng chống các bệnh cúm, cảm sốt lúc giao mùa. Năm nay, điện thoại của bà nóng ran khi liên tục nhận cuộc gọi lẫn tin nhắn của người dân hỏi tư vấn sức khoẻ. Chỉ cần đau đầu, họ cũng báo ngay cho trưởng Trạm y tế phường Trúc Bạch.
"Cháu ở phố Đặng Dung, làm bên cửa hàng bánh Xuân Diệu. Hôm 3/3, bác của cô Nhung 'bệnh nhân 17' đến cửa hàng cháu mua bánh nhưng cháu không làm ca đó. Bên phường Quảng An xác nhận cháu trong diện F3, cần cách ly tại nhà. Hai hôm nay cháu đã ở nhà và không đi ra ngoài. Cháu báo với phường mình để bên cô nắm được tình hình". Trong tin nhắn đến điện thoại bà Tuyết có cả số điện thoại lạ của những người thuộc diện phải cách ly tại nhà, thông báo tình hình sức khoẻ. "Cháu F3 thì tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người và nhớ đeo khẩu trang nhé", bà Tuyết nhắn lại kèm lời cảm ơn.
Cô con gái học lớp 12 ít gọi điện, chỉ dám nhắn tin dặn mẹ ăn uống đúng giờ. Lịch thi THPT quốc gia của con đã được dời đến 8/8, bà Tuyết vẫn chưa biết. Ngày hai lần, người mẹ còn bận áo blouse trắng, đi đo thân nhiệt cho cư dân phố cách ly, nhận lời khai y tế của các ca khác.
Cách Trúc Bạch gần mười cây số về hướng Đông Nam ven sông Hồng, gần 19h ngày 13/3, UBND phường Mai Động vẫn sáng trưng. Những ngọn đèn công sở đã sáng suốt mười ngày nay. Bên trong trụ sở, các tầng đều còn người làm việc.
Mai Động nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, có trục đường Tam Trinh tiếp nối với chợ đầu mối vận chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố. Cầu Vĩnh Tuy nối cầu Thanh Trì là tuyến giao thông huyết mạch, hàng vạn phương tiện lưu thông mỗi ngày. Người dân chủ yếu là lao động di cư, buôn bán nhỏ, làm dịch vụ; phường có một khu đô thị với 12 toà chung cư cao cấp. Phường rộng nhất quận Hoàng Mai với 50.000 dân.
Từ sáng 7/3, một hàng rào sắt được dựng chặn lối chính dẫn lên phòng công vụ. "Phải có biện pháp phòng dịch cho cán bộ phường, để còn có người làm việc ", chủ tịch phường Trần Văn Vịnh lý giải.
Chủ tịch phường sẽ ở lại công sở tới 20h mới được về nhà, khi có cấp phó lên thay. Giờ rời công sở của cán bộ nhiều phường Hà Nội kể từ sau ngày 6/3 đã không còn cố định lúc 17h như trước nữa, "bao giờ hết việc thì về".
Đến nay Mai Động chưa ghi nhận ca dương tính với nCoV. Nhưng sự căng thẳng đã bắt đầu từ đêm 6/3, hai người tiếp xúc gần với "bệnh nhân 17" là một bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc trú ở toà T18 khu đô thị Times City và một nhân viên kỹ thuật trong toà nhà 125 Trúc Bạch. 36 tiếng đầu tiên khi có lệnh phát ra, 57 tổ công tác của 57 khu dân cư đi lùng sục hết các ngóc ngách.
Đêm ấy vận động xong hai người tiếp xúc gần đi cách ly tập trung, hai tổ công tác phải đốt mười bộ đồ bảo hộ. Ông Vịnh "tiếc đứt ruột" khi biết giá trị mỗi bộ quần áo 250.000 đồng chỉ mặc được một lần. Nhưng khi Mai Động không phải cách ly cả toà nhà, ông chủ tịch phường "sung sướng như lần đầu nghe tin vợ sinh con". Sau đêm 6/3, cái bình nóng lạnh đã hỏng mấy năm được sửa lại để anh em tắm rửa, ăn ngủ tại phường.
"Quý ơi, bên đó thế nào?", ông Vịnh gọi điện cho người đồng cấp Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch phường Hoàng Văn Thụ. "Bên này có trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính, về nhà gặp mẹ vợ. Bà đó sang bên Mai Động chỗ anh đi cắt quần áo. Địa chỉ đây, anh ra ngay đi...", đầu dây bên kia thông báo.
Chỉ hai tiếng sau, ông Vịnh đã có trong tay thông tin về gia đình người tiếp xúc. Bốn người trong nhà được khuyến cáo ngừng buôn bán, tự cách ly. Những khi gấp rút, quy định hành chính hàng ngày được giản lược. Không cần đợi trên phát lệnh, các chủ tịch phường sẽ điện thẳng cho nhau. Ông Vịnh gọi đó là "những cuộc đánh chặn"; kèm theo nguyên tắc "điện thoại không bao giờ được tắt máy, hết pin".
16h27 phút chiều 13/3, tổ công tác ở Times City báo tin một phụ nữ tự nguyện đi cách ly khi tiếp xúc gần với nữ tiếp viên hàng không nhiễm nCoV. Ông chủ tịch phường chưa kịp mừng vì người dân chủ động hợp tác với chính quyền, thì điện thoại báo có một "F" mới và một cuộc truy tìm lại bắt đầu.
Có những buổi chiều vãn việc, ông chủ tịch phường Trúc Bạch được phút thả lỏng, nhìn bà con tập thể dục. Trong dịch bệnh lại là lúc hai bên nhìn thấy rõ cuộc sống, công việc của nhau. "Chính quyền chăm lo đầy đủ cho dân, bà con yên tâm sẽ quay lại hợp tác với chính quyền", ông nói. Người dân không bao giờ thiếu khẩu trang trong khi ngoài kia mua không có.
Nếu không có gì biến động, 11 ngày nữa phố Trúc Bạch hết cách ly. Ông Huy sẽ được về nhà với hai đứa trẻ, con gái đầu lòng 12 tuổi và con trai út 9 tuổi. "Hôm nay là ngày thứ bao nhiêu rồi ạ? Hết 14 ngày cách ly ba về với con", hai bạn nhỏ đếm ngược từng ngày mỗi lần được nói chuyện qua video."Sao râu ba trắng thế kia, ba không cạo râu à?", con gái thắc mắc khiến người cha vội che mặt đi. Người đàn ông chỉn chu, đã mười ngày chưa đụng đến dao cạo.
"Bọn trẻ ấn tượng với con số 14 ngày cách ly, nhưng ở đây phải đủ 21 ngày. Đó là nếu êm đẹp không có phát sinh. Không nói trước được điều gì", ông giải thích. Trên các tầng, dân quân tự vệ phường vẫn đang lắp thêm giường để lấy chỗ ngủ. Nơi vốn sẽ là phòng công vụ biến thành phòng nghỉ tạm cho công an, dân phòng trực chốt.
Sau lưng ông Nguyễn Dân Huy, tấm bảng mica thống kê số lượng những người phải cách ly từ F1 đến F3 "nhảy số" hai lần chỉ trong vòng 30 phút.
Hoàng Phương - Tất Định