Sáng 24/6, anh Hồ Văn Nhuận (37 tuổi, trú thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã đến trường THCS và Dân tộc nội trú A Lưới, dù theo lịch buổi chiều mới bắt đầu làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Lần đầu đi thi để xét tốt nghiệp THPT, tâm trạng lo lắng nên anh đến trường xem số báo danh trước.
Năm 2005 do điều kiện gia đình khó khăn, anh không hoàn thành chương trình lớp 12 nên không thể thi tốt nghiệp THPT. Năm 2008, anh đăng ký đi học trung cấp kiểm lâm tại Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Sau khi tốt nghiệp, anh Nhuận làm ở Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Huế, rồi chuyển sang làm kiểm lâm tại khu Bảo tồn Sao La thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế. Trạm kiểm lâm nơi anh công tác nằm sâu trong khu bảo tồn, cách trung tâm huyện A Lưới gần 60 km.
Bận bịu với công việc tuần tra bảo vệ rừng, anh Nhuận vẫn mơ ước lấy được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Năm 2018, biết có lớp học bổ túc tại trường THCS A Roàng, anh đăng ký theo học. Cứ thứ bảy, chủ nhật, anh lại chạy xe máy hơn 30 km từ chòi canh rừng ra trường THCS A Roàng học bổ túc lớp 12.
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia với bốn môn gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Địa lý, anh Nhuận bảo đã ôn thi kỹ, tự tin sẽ đậu để học tiếp đại học từ xa ngành kiểm lâm.
"Tôi có hai con, con trai lớn sang năm sẽ thi THPT quốc gia. Năm nay, tôi đăng ký đi thi vừa phục vụ công việc sau này, nhưng cũng để con tôi nhìn gương mà cố gắng học tập", anh Nhuận nói.
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế có 12.410 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó gần 600 thí sinh tự do, 340 thí sinh dân tộc thiểu số. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã bố trí 31 điểm thi với 519 phòng thi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.