Ban Tổ chức Trung ương mới ban hành hướng dẫn 16 về công tác quy hoạch cán bộ. Theo đó, tại thời điểm xem xét, phê duyệt quy hoạch, cán bộ phải cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng với chức danh được bổ nhiệm. Cán bộ được quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn lý luận chính trị.
Tuy nhiên, Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ cán bộ được quy hoạch "chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay" tất cả tiêu chuẩn. Ví dụ, đối với quy hoạch chức danh thứ trưởng, tại thời điểm xem xét, cán bộ không nhất thiết đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn như đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên; hoặc phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND trở lên của cấp tỉnh; có trình độ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
Đối với quy hoạch chức danh phó bí thư tỉnh ủy, tại thời điểm xem xét quy hoạch, cán bộ không nhất thiết đáp ứng đầy đủ một số tiêu chuẩn như đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (Bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện); có trình độ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
Cán bộ bị kỷ luật, sau khi có quyết định thi hành hết hiệu lực, cấp có thẩm quyền có thể xem xét việc quy hoạch. Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh việc quy hoạch cán bộ phải coi trọng chất lượng, không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Theo hướng dẫn 16, quy hoạch theo phương châm "động" và "mở". "Động" là định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc uy tín thấp và kịp thời bổ sung cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển.
Quy hoạch "mở" là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác, đưa vào những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Việc xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai của nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội.
Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ trường hợp là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng); các chức danh lãnh đạo, quản lý phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (không bao gồm chức danh ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương).
Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Trước đó ngày 27/12/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 50 về công tác quy hoạch cán bộ. Mục đích là nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.