
Kumaradasa, một người nông dân ở Sri Lanka bị bệnh thận không rõ nguyên nhân, phải nhờ vợ chăm sóc tắm rửa hàng ngày. Ảnh: AP
Hàng trăm người tụ tập dưới tán cây đa của ngôi làng Rajanganaya, phía bắc Sri Lanka, chờ lấy máu. Những người khác chờ bên ngoài trung tâm y tế nông thôn để lấy mẫu nước tiểu.
Gần 1.000 dân làng đi bộ đến đây, đứng nhiều giờ dưới ánh nắng gay gắt để khám bệnh, không phải vì họ bị bệnh, mà do lo sợ. Họ muốn biết liệu mình có phải là nạn nhân tiếp theo của căn bệnh thận bí ẩn, giết chết hàng nghìn nông dân ở Sri Lanka.
Nhiều người chứng kiến hàng xóm và người thân - có người đang trong độ tuổi 30 - nhanh chóng đầu hàng cái chết khi phát hiện bị bệnh thận. Trong những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, căn bệnh này giết chết 10 người mỗi tháng. Không ai biết tại sao.
"Trong nhiều trường hợp, chỉ biết được một người có phải chết vì bệnh thận hay không sau khi khám nghiệm tử thi", Kalyani Samarasinghe, 47 tuổi, một dân làng đang đứng bên ngoài trung tâm y tế, tay cầm một đống giấy tờ và bông băng cắt sẵn. "Hễ người ta cảm thấy đau bụng hoặc đau ở đâu đó, họ sẽ nghĩ: đó có phải là bệnh thận không?"
Căn bệnh này đã giết chết 20.000 người trong vòng 20 năm qua và làm 70.000 đến 400.000 người khác đau ốm. Nó lan rộng từ 2 huyện lên 7 huyện ở tỉnh Sinhala, một tỉnh phía bắc trung bộ khô hạn của Sri Lanka. Nơi này là vựa lúa được chuyển đổi canh tác, du nhập công nghệ tân tiến từ những năm 60 và 70 thế kỷ trước. Ngoài Sinhala, không tỉnh nào ở Sri Lanka phát hiện người nhiễm bệnh. Những nghiên cứu tìm nguyên nhân gây bệnh ở đây đều thất bại.
Người thì đổ lỗi cho nguồn nước, bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu và phân bón. Người khác thì tự hỏi liệu có phải thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng hoặc nhiễm một loại chất độc nào đó không. Dân làng được khuyên không nên ăn cá hồ, không sử dụng xoong chảo bằng nhôm và không uống rượu tự nấu, nhưng không ai đảm bảo những biện pháp này hiệu quả hay không.
Tiến sĩ Rajeeva Dassanayake, một chuyên gia về thận ở bệnh viện lớn nhất khu vực tại Anuradhapura, thủ phủ tỉnh Sinhala, có mặt để khám bệnh và trấn an đám đông.
"Không cần phải sợ và chạy trốn khỏi nơi này", ông nói. "Có rất nhiều điều mà người ta đang tranh cãi. Cho đến khi họ kết thúc cuộc tranh cãi và đưa ra kết luận, chúng ta không thể nói gì".

Karunawathie, ngồi phía sau, được con trai chở đi chạy thận. Ảnh: AP
Ở Sri Lanka, một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hai năm trước cho biết ở ba huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Sinhala, 15% số dân bị bệnh thận. Số lượng phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn, nhưng đàn ông quá 39 tuổi lại đau yếu hơn. Dư lượng Cadmium (cùng nhóm với thủy ngân, chì, là những kim loại nặng gây ảnh hưởng nhất tới sức khỏe con người) và thuốc trừ sâu được phát hiện trong nước tiểu, rất có thể gây tổn hại cho thận người bệnh theo thời gian, kết hợp với các yếu tố gây bệnh khác như asen.
Nước - nguồn nghi ngờ gây bệnh - được chứng minh là sạch. Nhưng theo chuyên gia y tế Shanthi Mendis của WHO, nước vẫn đóng vai trò quan trọng khi kết hợp cùng các yếu tố khác. Bà nhấn mạnh chính phủ cần phải đặt ưu tiên hàng đầu cung cấp nước uống sạch và an toàn cho người dân, cũng như điều chỉnh việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp.
Báo cáo của WHO ghi nhận hàm lượng cadmium và chì trong một số loại cây và rau tăng lên, chẳng hạn như rễ hoa sen và cây thuốc lá. Nhiều câu hỏi đặt ra phải chăng các kim loại nặng ngấm vào đất và nước ngầm, nơi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón mà nồng độ cadmium cao được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu trước đó. Bộ Nông nghiệp Sri Lanka cho biết việc lấy mẫu thử được tiến hành thường xuyên, kết quả đều trong giới hạn cho phép.
Trong lúc đó, người nông dân vẫn tưới đẫm những cánh đồng bằng nhiều hóa chất mà công thức pha chế chứa kerosene và nhiều chất độc hại khác. Hầu hết đều không mang đồ bảo hộ.
"Nếu không dùng hóa chất, sẽ khó diệt cỏ mọc", Ajith Welagedara, một nông dân thường xuyên pha chế liều lượng thuốc diệt cỏ glyphosate nhiều hơn khuyến cáo, nói. Đây là loại thuốc diệt cỏ phổ biến ở Sri Lanka, người ta phun nó, đi chân trần và không đeo găng tay hay mặt nạ. "Tôi cũng băn khoăn, nhưng không còn cách nào khác".
Chính phủ Sri Lanka đã ban hành lệnh cấm một số hóa chất nông nghiệp sau khi WHO đưa ra báo cáo, nhưng lệnh cấm vẫn chưa được thi hành và thuốc trừ sâu vẫn luôn có sẵn.
Đối với những người bị bệnh, chăm sóc y tế thường không đảm bảo đầy đủ. Sri Lanka có dân số 20 triệu người, nhưng chỉ có 183 máy lọc máu, đa số dân làng phải chờ đợi ít nhất 3 tuần để được điều trị. Vì nước này không có chính sách lấy nội tạng tử thi để cấy ghép nên rất nhiều người bệnh tuyệt vọng đăng ảnh và nhóm máu lên báo để xin người hiến thận.
Bộ Y tế Sri Lanka đang cố gắng kiểm soát khu vực để xác định số người nhiễm căn bệnh được gọi là bệnh thận mạn tính không rõ nguyên nhân, căn bệnh thường tấn công nhiều thành viên trong một gia đình.
Nỗi sợ hãi bị kỳ thị lan rộng, nhưng nó đồng thời thúc đẩy việc sàng lọc cho người dân làng. Họ hy vọng phát hiện sớm giúp làm chậm quá trình bệnh tiến triển, căn bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi quá muộn. Tuy nhiên, còn một nỗi sợ lớn hơn nữa.
"Nỗi sợ lớn nhất là về trẻ em", Samarasinghe, một dân làng trong cộng đồng người nhiễm bệnh nói về tương lai của những đứa trẻ. "Chúng tôi đã sống trên đời này tương đối lâu rồi, nhưng còn bọn trẻ, chúng tôi rất lo cho chúng."

Một người nông dân đang phun thuốc diệt cỏ trên cánh đồng ở Padaviya, Sri Lanka, đi chân trần, không đeo găng tay cũng như khẩu trang. Ảnh: AP
Hồng Hạnh (Theo AP)