Ngày 28/6, Madona phải cấp cứu vì nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Giọng ca Hung Up phải đặt nội khí quản ít nhất một đêm, còn gia đình đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Hiện cô tỉnh táo, được rút ống và theo dõi kỹ lưỡng.
Các nguồn tin tiết lộ Madonna từng bị sốt nhẹ trong suốt một tháng trước khi nhập viện nhưng cô hầu như phớt lờ các triệu chứng và không chịu đi kiểm tra vì quá tập trung luyện tập cho tour diễn. "Các bác sĩ nói rằng cơn sốt là dấu hiệu của nhiễm khuẩn và tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì không được điều trị", một nguồn tin thân cận với Madona tiết lộ.
Hiện chưa rõ chính xác nữ ca sĩ nhiễm chủng vi khuẩn gì. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết nhiễm trùng do vi khuẩn nói chung có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, gồm da, phổi và máu.
Hầu hết vi khuẩn đều vô hại, nhưng một số có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở trên da, chẳng hạn vết đứt tay, côn trùng cắn hoặc vết thương sau phẫu thuật. Các chủng khác tiến vào qua đường thở, ăn uống hoặc quan hệ tình dục.
Ví dụ điển hình về nhiễm trùng do vi khuẩn là chủng strep A, salmonella và bệnh chốc lở. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ho, khó thở, đổ mồ hôi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và tức ngực.
Các biểu hiện phụ thuộc và vị trí vết nhiễm trùng. Chẳng hạn nhiễm trùng tai có thể gây đau tai, khó nghe. Vi khuẩn salmonella khiến người bệnh bị tiêu chảy và nôn mửa.
Thông thường, bác sĩ thường sử dụng kháng sinh dạng viên, dạng lỏng, dạng kem hoặc tiêm tĩnh mạch để điều trị các tình trạng này. Thuốc hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn hoặc ngăn chặn chúng nhân lên.
Hầu hết trường hợp nhiễm vi khuẩn biểu hiện nhẹ, một số loại có thể dẫn đến triệu chứng nghiêm trọng. Loại nhiễm trùng nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết, xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với vi khuẩn, bắt đầu tấn công các mô và cơ quan.
Nhiễm trùng huyết nổi tiếng là khó phát hiện, vì các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với những bệnh nhẹ hơn, cần được điều trị ngay lập tức vì bệnh nhân có thể chuyển nặng nhanh chóng. Nếu không được chăm sóc kịp thời, người bệnh có thể bị sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và cuối cùng là tử vong, xảy ra trong vài giờ.
Bệnh nhân có thể cần điều trị trong khu hồi sức tích cực, thở máy hoặc phẫu thuật để loại bỏ các vùng bị nhiễm trùng. Một số nằm viện trong nhiều tuần.
Khoảng 250.000 người Anh bị nhiễm trùng huyết mỗi năm, trong đó 52.000 người tử vong. Tại Mỹ, có 1,7 triệu ca mắc và 270.000 trường hợp tử vong mỗi năm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số người gặp các vấn đề lâu dài, như mệt mỏi kinh niên, khó ngủ, chán ăn, thường xuyên bị ốm, thay đổi tâm trạng, gặp ác mộng và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Ở người lớn, các dấu hiệu nhận biết là nói lắp hoặc nhầm lẫn, run rẩy, đau cơ, khó thở nghiêm trọng và da đổi màu.
Thục Linh (Theo Daily Mail)