Ca bệnh được các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại chương trình Tâm thần phân liệt tái phát, ngày 20/3.
Người đàn ông làm nghề cắt tóc, chưa lập gia đình. Hai năm trước, bệnh nhân trở nên chậm chạp, ít nói, hay mệt và ngại giao tiếp. Gia đình cho rằng người bệnh bị trầm cảm và muốn đưa đi khám nhưng anh từ chối.
Sau đó, anh nghỉ làm, sinh hoạt một mình trong phòng, hay cáu gắt, thường xuyên cho rằng người nhà âm mưu ám hại. Có lúc, người bệnh lầm bầm nói chuyện một mình, hoặc chửi bới, đập phá đồ đạc. Thấy tình hình nghiêm trọng, gia đình cưỡng chế đưa anh vào viện và được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt.
Bệnh nhân được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần 25 ngày, tình trạng cải thiện, ra viện và đi làm trở lại. Tuy nhiên, nghĩ đã khỏi bệnh, anh dừng tái khám và tự ý bỏ thuốc.
"Những mâu thuẫn, căng thẳng trong công việc khiến người bệnh uống rượu, và bệnh tái phát với biểu hiện như đợt đầu, thậm chí anh luôn nghe thấy tiếng nói trong đầu là kẻ kém cỏi, vô dụng", bác sĩ Ngô Văn Tuất, Viện Sức khỏe Tâm thần, kể.
Hiện, người bệnh quay lại điều trị nội trú, tình trạng đã cải thiện.
Bác sĩ Tuất cho biết trường hợp trên là một điển hình của bệnh tâm thần phân liệt tái phát do không tuân thủ điều trị. Đây là bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính. Bệnh nhân thường có triệu chứng tách dần khỏi cuộc sống bên ngoài, thu mình, tình cảm khô lạnh, trí nhớ, sự tập trung giảm sút, ý nghĩ và hành vi khó hiểu. Nguyên nhân gây bệnh là giải phẫu sinh lý não, hoạt động sinh hóa não, di truyền, tâm lý xã hội...
"Đặc trưng tâm thần phân liệt là tiến triển các đợt loạn thần, khả năng tái phát rất cao, tới 80% trong 5 năm đầu", bác sĩ Tuất nói, thêm rằng nguyên nhân do bệnh nhân không tuân thủ thuốc và phác đồ điều trị, sử dụng chất kích thích.
Đặc biệt, bệnh nhân trải qua càng nhiều đợt tái phát thì tổn thương não càng lớn. Khi đó, không chỉ thời gian điều trị kéo dài, người bệnh còn có nguy cơ tự sát và thực hiện thành công. Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác, dễ bị kích động, gây hại cho gia đình và người xung quanh. Do đó, bác sĩ cảnh báo người nhà cần biết các dấu hiệu tái phát sớm để đưa bệnh nhân tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa.
"Nhận biết dấu hiệu tái phát sớm rất quan trọng. Lý do khi bệnh nhân đến sớm sẽ có phác đồ điều trị kịp thời. Nếu phát hiện muộn thì việc đưa bệnh nhân đến viện sẽ rất khó khăn, chưa nói đến quá trình điều trị", tiến sĩ Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý Lâm sàng, cho biết.
9 dấu hiệu tái phát là thay đổi thói quen ngủ, ăn uống; suy nghĩ kỳ quái, khó hiểu; mất năng lượng; cảm giác lo lắng, trầm cảm hoặc tức giận; giảm chú ý vệ sinh bản thân; xa cách, rút khỏi xã hội; mất hứng thú với các sở thích; ảo giác hoặc hoang tưởng.
Lê Nga