Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư, tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) có tổng chiều dài hơn 200 km. Điểm đầu nối dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (tại Đồng Nai) và điểm cuối nối đường cao tốc Liên Khương - Prenn (Lâm Đồng), đã hoàn thành năm 2008 với tổng kinh phí hơn 930 tỷ đồng.
Quy mô khi hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ có 6 làn xe cao tốc, rộng 33 m, dải phân cách giữa bằng bêtông xi măng. Các đoạn qua thị trấn, thị tứ và nút giao sử dụng giải phân cách bờ bó vỉa rộng 3 m để tạo cảnh quan. Các cầu trên đường cao tốc nhịp giản đơn cũng gồm 6 làn xe. Trong đó, giai đoạn đầu, đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư trước hai làn xe có chiều rộng gần 14 m với kinh phí khoảng 32.000 tỷ đồng.
Để phân kỳ đầu tư chính xác từng giai đoạn, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đơn vị tư vấn phải rà soát lại số liệu đầu vào, cập nhật đầy đủ và chính xác để đưa ra phương án đầu tư kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, nghiên cứu đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú làm 4 làn xe.
Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020. Tuyến cao tốc được xây dựng nhằm kết nối Lâm Đồng với TP HCM, Đồng Nai, các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời thay thế quốc lộ 20 đang bị quá tải với hơn 15.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày.
Để sớm khởi công dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ đưa công trình này vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia và khởi công xây dựng trong giai đoạn 2015-2020; dự kiến dự án sẽ được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư).
Hữu Công