Trao đổi với VnExpress.net chiều 14/7, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn cho biết, nhà thầu JGC (Nhật Bản) đang nghiên cứu thiết kế mô hình công nghệ, nguyên liệu dầu thô theo phương án bổ sung của Công ty Gazprom Neft (Nga). Dự kiến đến tháng 8, phương án mở rộng, nâng công suất nhà máy được thiết kế hoàn chỉnh sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
"Chúng tôi đang đàm phán với đối tác Nga để nâng công suất nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn mỗi năm. Tùy theo cấu hình công nghệ và nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào, cần khoảng một đến 2 tỷ USD để mở rộng, nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất trong thời gian tới", ông Giang nói.
Sau 56 ngày bảo dưỡng tổng thể lần 2, sáng 14/7, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động trở lại đạt 100% công suất, "về đích" trước kế hoạch. Đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần này lúc cao điểm có khoảng 4.000 chuyên gia, kỹ sư và công nhân làm việc trên công trường, trong đó có 400 chuyên gia, nhà cung cấp bản quyền công nghệ, thiết bị, tư vấn...nước ngoài.
"Nhiều lỗi tồn tại kỹ thuật ở các phân xưởng được xử lý triệt để. Riêng phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC), các chuyên gia đã thay mới hoàn toàn khớp nối giãn nở nhiệt, khắc phục hệ thống đầu phun xúc tác, hệ thống tách, thu hồi xúc tác. Sửa chữa, nâng cấp phao rót dầu không bến (SPM) có thể tiếp nhận tàu dầu thô từ 100.000 đến 150.000 tấn cho nhà máy", ông Giang cho hay.
Từ nay đến cuối năm, nhà máy sản xuất thêm khoảng 2,6 triệu tấn (tổng sản phẩm xăng, dầu cả năm 5,2 triệu tấn), nộp ngân sách 12.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phê duyệt dự toán chi phí phục vụ cho công tác bảo dưỡng tổng thể lần 2 của nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng chi phí là 66,8 triệu USD (tương đương khoảng 1.400 tỷ đồng).
Theo quy định hợp đồng với Tổ hợp nhà thầu Technip, sau hai năm vận hành (kể từ khi nhà máy cho ra dòng sản phẩm đầu tiên, ngày 22/2/2009), giữa tháng 7/2011, các chuyên gia đã tiến hành bảo dưỡng lần đầu công trình.
Trong lần bảo dưỡng thứ nhất, các chuyên gia, nhà thầu bảo dưỡng gần 700 thiết bị tĩnh của lò phản ứng, tháp tái sinh xúc tác, tháp chưng cất, bình chịu áp, thiết bị trao đổi nhiệt, lò đốt, bồn bể, thiết bị quay, khoảng 6.000 thiết bị tự động hóa và hơn 1.700 thiết bị điện; hoàn thành 18 hạng mục nâng cấp, cải hoán và khắc phục 75 điểm tồn tại kỹ thuật. Tổng chi phí bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần đầu tiên hơn 40 triệu USD.
Trí Tín