Nhận thấy quy hoạch TP Tam Kỳ có nhiều bất cập, chính quyền đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đề xuất quy hoạch mới. Năm 2015, Quy hoạch chung TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển đô thị sinh thái, đã được phê duyệt.
Đến nay, chính quyền đã phê duyệt được 11 phân khu, còn một phân khu đang tổ chức thi ý tưởng quy hoạch. Giải pháp trị thủy đang được tiếp tục khảo sát, nghiên cứu. "Bài toán về thoát nước đã được tính đến, song cần có đánh giá tổng thể khoa học và đưa ra lộ trình thực hiện", ông Ảnh nói.
Lãnh đạo thành phố Tam Kỳ nhìn nhận, hệ thống kênh mương trong nội thị còn thiếu, khẩu độ nhỏ nên sẽ nghiên cứu một số tuyến thoát nước dọc. Chẳng hạn đường Huỳnh Thúc Kháng, Trưng Nữ Vương có lượng nước từ phía tây thành phố chảy về lớn. Trong khi đó, cống thoát nhỏ, chảy không kịp. Chính quyền đang tính mở thêm kênh thoát nước đi giữa lòng đường, đổ ra sông Bàn Thạch.
Một giải pháp đang được thực hiện ở phường Trường Xuân và xã Tam Ngọc nằm phía tây thành phố. Chính quyền dự kiến xây tuyến kênh đưa nước từ hai nơi này về sông Tam Kỳ, không cho chảy xuống nội thị, giảm áp lực ngập lụt. Nhiều tuyến đường khác đang bị ngập lớn như Nguyễn Dục, Lê Lợi sẽ được đầu tư xây dựng kênh, cống gom về mương chính rồi chảy ra sông.
Riêng vùng trũng, thành phố đầu tư chỉnh trang, xây dựng hạ tầng thoát nước. Một số khu bất khả kháng không thể giải tỏa, phương án đưa ra là đầu tư hạ tầng đảm bảo quy hoạch, sau đó người dân tự nâng nền nhà.
Qua các trận mưa lũ, cơ quan chức năng ghi nhận nước sông Trường Giang thấp hơn sông Đầm (một nhánh của Bàn Thạch) hơn một mét. "Chúng tôi đề xuất chuyển dòng từ sông Bàn Thạch về sông Trường Giang bằng hệ thống kênh để cắt dòng lũ cho Tam Kỳ", ông Ảnh nói và cho rằng việc chuyển dòng chảy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tự nhiên nên phải nghiên cứu khoa học rất kỹ.
Một giải pháp nữa, theo ông Ảnh, là trong tính toán, xây dựng công trình sẽ phải tính đến mưa lớn bất thường. Lâu nay câu chuyện tính toán ngập lụt, thoát lũ dựa vào lượng mưa trung bình cho một năm; tần suất ngập lụt cho thành phố 50 năm. Tuy nhiên, gần đây các đợt mưa cực đoan rất nhiều. Thành phố sẽ phải xem cái nào đã quy hoạch theo trước đây thì tính toán lại, điều chỉnh hợp lý; tần suất ngập lụt tính đến 5-10 năm một lần. Tương lai Tam Kỳ phải để lại lưu vực dòng chảy lớn, mở rộng vùng đệm cho sông Bàn Thạch thoát lũ, chứa lũ.
Người đứng đầu TP Tam Kỳ cho rằng các giải pháp để nội thị không còn ngập lụt là khó khả thi. "Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mức độ ngập lũ đã thay đổi nhưng chưa tính toán được. Thành phố nghiên cứu tìm giải pháp, chấp nhận ngập lụt nhưng không kéo dài. Ít nhất mất 10 năm nữa, nội thị Tam Kỳ mới được khắc phục cơ bản tình trạng ngập lụt", ông Ảnh nói.
Để giải bài toán thoát nước Tam Kỳ cần nguồn lực rất lớn. Ông Ảnh cho hay hạng mục khớp nối hạ tầng đô thị cần hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn lực tự thân thành phố hạn hẹp, rất cần nguồn vốn ODA và hỗ trợ của tỉnh.
Cùng với nỗ lực của chính quyền TP Tam Kỳ, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về tình trạng ngập lụt của thành phố. Đề tài do Đại học Bách khoa Đà Nẵng cùng các cơ quan chuyên môn thực hiện, đánh giá sơ bộ được nguyên nhân gây ngập lụt. Dự kiến tháng 11 này, lãnh đạo tỉnh sẽ nghe đánh giá ban đầu để đề ra giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng châu Á tài trợ cho địa phương, tỉnh đề cập việc TP Tam Kỳ ngập lụt. Qua đó, họ đưa ra những tư vấn độc lập đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp. "Tôi hy vọng trong thời gian ngắn nữa, khi các vấn đề được làm sáng tỏ trên cơ sở luận cứ khoa học chắc chắn thì sẽ có những giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề", ông Thanh nói.
Với những nguyên nhân đã nhìn thấy, như tác động tiêu cực của các cầu và tuyến đường bắc qua sông, UBND tỉnh đang giao cho cơ quan chuyên môn đánh giá lại tổng thể quy hoạch. Những công trình gây cản trở dòng chảy, đi qua vùng thấp trũng hoặc các dự án dân cư, đô thị gây nên ngập úng thì phải xem xét cẩn trọng, điều chỉnh cho phù hợp.