Đề nghị được cung cấp tài liệu, ảnh, lời chứng, băng ghi âm và những đoạn phim được đưa ra trước kỷ niệm 30 năm ngày chế độ Pol Pot lên nắm quyền vào ngày 17/4, và đã được gửi tới sứ quán của 42 nước.
Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh tháng 4/1975. (Ảnh tư liệu của DCC) |
"Một số chính phủ có sứ quán ở Campuchia dưới Kampuchea Dân chủ, một số khác đã theo dõi các sự kiện từ sứ quán ở Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam hoặc Lào", văn bản đề nghị của giám đốc Trung tâm dữ liệu (DCC) Youk Chhang viết.
Kampuchea Dân chủ là tên chính thức của chế độ Pol Pot. Sau khi lên nắm quyền, chính phủ của người này đã biến Campuchia thành những "cánh đồng chết", xoá bỏ hệ thống trường học, không công nhận tài sản tư, bỏ tiền tệ, cưỡng bức lao động... và cuối cùng dẫn đến cái chết của gần 2 triệu người. Chế độ Pol Pot bị xoá sổ năm 1979, nhưng tàn dư của Khmer Đỏ vẫn tiếp tục chống chính quyền cho đến năm 1998, khi Pol Pot chết.
"Chúng tôi hy vọng rằng các chính phủ đó sẽ lục tìm trong hồ sơ ngoại giao, quân sự và tình báo những tài liệu có thể giúp xác lập bằng chứng hợp pháp và có tính lịch sử về những tội ác trong thời kỳ này", Chang nói.
"Chúng tôi sẽ giải mật những tài liệu này khi cần thiết, và chuyển chúng tới Toà án đặc biệt để công bố".
Toà án đặc biệt do Liên Hợp quốc ủng hộ, dự kiến sẽ đưa ra trước công lý 6 thủ lĩnh của Khmer Đỏ với các tội danh diệt chủng và tội ác chống nhân loại.
Hiện việc kêu gọi tài trợ cho phiên toà tốn kém khoảng 56 triệu USD này đang được tiến hành. Khi đã có đủ tiền, quá trình điều tra sẽ bắt đầu và kéo dài trong 12 tháng. Tiếp đó là giai đoạn đưa những thủ lĩnh Khmer Đỏ còn sống - hiện đều ở tuổi trên 70 - ra trước toà.
Trong số những kẻ có thể bị đem ra xét xử, chỉ có hai người đang trong trại giam, số còn lại sống tự do ở Campuchia.
T. Huyền (theo AFP)