"Hiện nay, việc tiêm chủng cho trẻ em là bước quan trọng để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng. Trẻ em như búp măng. Nếu sức khỏe của trẻ em bị tổn hại, chúng ta sẽ không có những cây tre tốt", Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 1/8 phát biểu.
Ngoài thủ đô Phnom Penh, những trẻ em trong độ tuổi 12-17 tại Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk, ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, cũng bắt đầu được tiêm. Thủ tướng Hun Sen cho biết hai triệu thiếu niên dự kiến sẽ được tiêm chủng, nói thêm rằng Campuchia đang cân nhắc việc tiêm cho trẻ em 10 và 11 tuổi.
Một số quốc gia châu Âu, như Đan Mạch, Pháp và Litva, cũng đã bắt đầu tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em nhằm đẩy nhanh tốc độ đạt miễn dịch cộng đồng. Canada là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ sau đó cũng cấp phép sử dụng loại vaccine này cho trẻ em 12-15 tuổi.
7 triệu dân trong tổng số 10 triệu người đủ điều kiện tiêm chủng Covid-19 tại Campuchia đã được tiêm vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson, hoặc vaccine của hai công ty Trung Quốc Sinovac và Sinopharm. Hun Sen cho biết giới chức sẽ sớm bắt đầu tiêm liều thứ ba cho những người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ.
Campuchia cũng dự định tiêm kết hợp các loại vaccine. Hun Sen, người đã tiêm hai liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, cho biết ông muốn liều thứ ba của mình là vaccine do hãng Sinovac phát triển.
Sau khi kiểm soát Covid-19 thành công vào năm ngoái, đợt bùng phát từ hồi tháng 2 đã khiến số ca nhiễm tại Campuchia ngày càng gia tăng, hiện lên đến gần 78.000, trong đó hơn 1.400 trường hợp đã tử vong.
Hôm 29/7, Campuchia áp đặt các biện pháp hạn chế mới với 8 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan, quốc gia đang chật vật ứng phó đại dịch do biến chủng Delta tấn công dữ dội. Người lao động Campuchia tại Thái Lan cũng không được phép hồi hương.
Ánh Ngọc (Theo AFP)