"Có thông tin nhằm xóa bỏ sự tôn trọng mà người dân Campuchia dành cho thủ tướng", AFP dẫn lời Phay Siphan, người phát ngôn chính phủ Campuchia, nói. "Chúng tôi không quan tâm tới nó".
Trước đó, tổ chức giám sát Global Witness, trụ sở Anh, cho rằng Thủ tướng Hun Sen trong thời gian lãnh đạo Campuchia đã lợi dụng quyền lực để giao quyền kiểm soát phần lớn nền kinh tế cho gia đình.
Hun Sen và người thân của ông kiếm được hơn 200 triệu USD thông qua các lợi ích của họ tại 114 công ty tư nhân, theo báo cáo của Global Witness dựa trên số liệu từ Bộ Thương mại Campuchia.
Các công ty của gia đình Hun Sen trải rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính, năng lượng và truyền thông, có quan hệ làm ăn với nhiều thương hiệu quốc tế lớn. Con gái cả Hun Mana, một trùm truyền thông, được cho là có lợi ích trong 22 công ty, 18 công ty coi cô là chủ tịch hoặc giám đốc.
Giới quan sát cho rằng trong 31 năm nắm quyền, ông Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên, ông Hun Sen gần đây phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhóm nhân quyền, cáo buộc ông trấn áp các đối thủ để giành lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2018.
Nghị viện Liên minh châu Âu đe dọa sẽ xem xét số tiền viện trợ gần 500 triệu USD nếu ông Hun Sen "tiếp tục đàn áp đối thủ".
Ông Hun Sen tuyên bố sẽ chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia. "Tôi không muốn các nhà ngoại giao nhại lại như vẹt về giọng điệu của các đảng đối lập", ông nói và chỉ trích việc dùng "cái gọi là viện trợ" để xúc phạm hoặc đe dọa Campuchia.
Như Tâm