Theo SCMP, công nghệ mới được phát triển bởi Hanwang (tên tiếng Anh là Hanvon), một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh. Huang Lei, Phó chủ tịch Hanwang, cho biết hãng đã cử một nhóm 20 nhân viên cốt cán, bắt đầu thực hiện dự án vào cuối tháng 1 khi dịch viêm phổi do nCoV bắt đầu hoành hành, và hoàn thành sau một tháng.
Theo Lei, công nghệ mới được phát triển dựa trên nền tảng cốt lõi mà công ty nghiên cứu từ 10 năm nay, kết hợp với cơ sở dữ liệu hình ảnh của 6 triệu khuôn mặt bình thường và số ít dữ liệu người đeo khẩu trang. "Công nghệ của chúng tôi cho phép nhận diện lên tới 30 người trong đám đông mỗi giây. Tỷ lệ chính xác vào khoảng 95% với người mang khẩu trang và tới 99,5% nếu không mang khẩu trang", Lei chia sẻ.
Hiện Hanwang triển khai hai sản phẩm ứng dụng công nghệ mới này, gồm camera đơn lẻ (chẳng hạn camera lối vào văn phòng, tòa nhà) và hệ thống camera giám sát rộng lớn của thành phố. "Nếu kết hợp cảm biến thân nhiệt, hệ thống có thể nhận ra chính xác ai đó có dấu hiệu bất thường về nhiệt độ cơ thể giữa đám đông, đồng thời quét dữ liệu để tìm danh tính chỉ sau vài giây", Lei khẳng định.
Sắp tới, Lei cho biết đang cân nhắc phát triển công nghệ cho phép nhận diện cả những người vừa mang khẩu trang vừa đeo kính râm. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc nghiên cứu có thể khó khăn hơn.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có lượng camera giám sát công cộng lớn nhất thế giới. Công nghệ nhận diện khuôn mặt do nước này nghiên cứu cũng đã phát triển mạnh trong thời gian qua và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Nhiều hệ thống thậm chí có thể phát hiện một người trong đám đông hàng chục nghìn người khác sau chưa tới một giây.
Tuy nhiên, với việc người dân ra đường phải mang khẩu trang để phòng tránh nCoV đang bùng phát, nhiều hệ thống trong số đó không thể nhận diện thành công. Để thích nghi với tình trạng này, một số công ty Trung Quốc tìm cách cải tiến thuật toán để nhận diện người chỉ qua một phần khuôn mặt, nhưng hiệu quả bị hạn chế.
Bảo Lâm