Để hình dung thói quen chụp ảnh bằng điện thoại đã phổ biến như thế nào, hãy thử đến một điểm thu hút khách du lịch và đếm những người đang chụp ảnh. Bên cạnh máy ảnh compact, DSLR, máy ảnh không gương lật, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc smartphone, thậm chí cả tablet, đang được giơ lên cao, lấy nét và ghi hình. Đơn giản hơn nữa, hãy mở Facebook vào giờ ăn trưa hay khi cơn giông đang kéo đến, trên đó sẽ tràn ngập ảnh đồ ăn, ảnh mây đen vần vũ được các thành viên gửi lên "qua di động", "qua iOS", qua "Windows Phone"...
Tiến xa hơn, ngày nay, công nghệ camera trong smartphone đã đạt tới ngưỡng đủ tạo nên "cơn ác mộng" đối với nhiếp ảnh truyền thống. Đó là khi người ta nhìn vào trang nhất báo The New York Times ngày 31/3. Ở chính giữa là chân dung cầu thủ bóng chày Alex Rodriguez. Điểm đáng nói là tấm hình được phóng viên ảnh Nick Laham chụp bằng iPhone và được chỉnh sửa qua Instagram. Hay chỉ bằng iPhone và ứng dụng ảnh Snapseed có giá bán chưa đến 5 USD, phóng viên Dan Chung của tờ Guardian đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp của Thế vận hội Olympic 2012. Ấn tượng hơn, đầu năm nay, lần đầu tiên một bộ phim có một số cảnh quay được thực hiện bằng iPhone đã được trao giải Oscar danh giá cho Phim tài liệu xuất sắc nhất. Đó là Searching For Sugar Man của đạo diễn Malik Bendjelloul.
Khoảng cách giữa camera di động và camera truyền thống vẫn còn hiện hữu nhưng đang dần bị rút ngắn, ít nhất không còn ai thắc mắc khi thấy ai đó dùng điện thoại để chụp ảnh. Hơn thế, các hãng sản xuất camera truyền thống còn đang phải chạy đua để tăng tính cạnh tranh như bổ sung cho máy kết nối Wi-Fi, công nghệ NFC hay các công cụ chỉnh ảnh "lừa tình". Thẻ nhớ tích hợp Wi-Fi bắt đầu phổ biến còn các thiết bị lai giữa điện thoại và máy ảnh như Samsung Galaxy Camera cũng đang đóng vai trò như cầu nối giữa hai thế giới.
Ý tưởng điện thoại gắn camera bắt đầu hình thành từ năm 1997 khi Internet mới ra đời được 4 năm với băng thông hạn chế. Doanh nhân Philippe Kahn (người Pháp) đã tìm cách đưa tính năng chụp ảnh của Casio QV-10 vào trong chiếc Motorola Startac - điện thoại di động phổ biến nhất thời đó - để chụp con gái Sophie mới sinh. Công trình của ông hoàn thành vừa kịp sinh nhật cô bé và ngày 11/6/1997 đánh dấu sự ra đời của tấm ảnh đầu tiên trên thế giới được chụp bằng điện thoại di động.
"Tôi muốn tạo ra những bức ảnh Polaroid phiên bản thế kỷ 21", Kahn sau này chia sẻ với trang công nghệ Mashable.
Trong khi đó, có nhiều tranh cãi rằng đâu là chiếc điện thoại camera đầu tiên: S-SH04 của Sharp và J-Phone ra đời tháng 11/2000, hay SCH-V200 của Samsung trình làng vài tháng trước đó. Danh hiệu này sau đó thuộc về Nhật vì camera trong điện thoại Samsung mới chỉ được tích hợp một nửa, tức tuy nằm chung một case và sử dụng chung pin, nó hoạt động độc lập với điện thoại và người dùng tải tải ảnh về máy tính qua cáp nối.
Khác với những công nghệ khác phải tốn nhiều thời gian để phổ biến, camera điện thoại nhanh chóng được đón nhận. Mới chỉ đến năm 2003, số điện thoại camera được bán ra trên toàn cầu đã vượt doanh số của máy ảnh kỹ thuật số. Năm 2005, Nokia trở thành thương hiệu camera kỹ thuật số ăn khách nhất thế giới. Một năm sau, nửa số điện thoại di động trên toàn thế giới đã tích hợp camera. Năm 2008, Nokia bán được nhiều điện thoại camera hơn cả máy ảnh sử dụng film của Kodak và trở thành nhà sản xuất máy ảnh lớn nhất xét trên mọi thể loại.
Trong suốt một thập kỷ đó, người sử dụng đã thường xuyên chụp ảnh bằng thiết bị di động của họ nhằm lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống. Tuy nhiên, xu hướng chụp ảnh nghệ thuật bằng điện thoại (đã xuất hiện vài năm nhưng chưa trở thành trào lưu) chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2009 nhờ vào hiện tượng iPhoneography
Ngày nay, "Mo Pho" (Mobile Photography - chụp ảnh bằng thiết bị di động) được coi là một loại hình nghệ thuật chính thống. Chính sự hạn chế của camera di động lại trở thành công cụ thôi thúc các nhiếp ảnh gia khám phá thể hiện tài năng.
Che McPherson đã nhận thấy sự chuyển dịch này trong vai trò người kiểm tra chất lượng các bức ảnh được gửi đến iStockphoto cũng như là nhiếp ảnh gia cho một loạt khách hàng quốc tế. Ông khẳng định ngày càng nhiều nhiếp ảnh gia chụp hình bằng điện thoại để kiếm tiền.
Các giới hạn về mặt kỹ thuật như độ nhiễu, tông màu không chuẩn... không còn là vấn đề lớn như giai đoạn đầu của camera di động nữa. McPherson cho hay chính sự phổ biến của điện thoại giúp iStockphoto nhận được nhiều ảnh đề cử hơn trước với trung bình 15.000 tấm hình mỗi ngày.
"Ngày nay, tiêu chí đánh giá một bức ảnh không phải là chất lượng về mặt kỹ thuật mà là nó đẹp và hữu ích ra sao", McPherson chia sẻ với CNet.
"Ảnh đẹp không nhất thiết phải rõ nét, chân thực. Quan trọng là khoảnh khắc và góc nhìn", thành viên Viethoaute cũng từng nhận xét trên diễn đàn Winphoneviet. Rõ ràng, người xem ảnh điện thoại đang có góc nhìn khác so với khi họ đánh giá ảnh từ máy chuyên nghiệp.
Châu An