Với tôi, thành phố nhỏ xinh đẹp nhất thế giới là Cambridge. Nhưng tôi sẽ không nhắc đến con sông Cam thơ mộng, vườn hoa như ở xứ sở thần tiên hay những con phố cổ đưa người dạo bộ ngược dòng thời gian đến thời Trung Cổ. Tôi muốn nói đến vẻ đẹp khác, cái đẹp gắn với trường đại học làm nên tên tuổi của thành phố này.
Tôi tốt nghiệp Đại học Cambridge năm trường kỷ niệm 800 năm thành lập. Mỗi cử nhân, bên cạnh tấm bằng, nhận được một huy hiệu nhỏ với con số 800 tròn trĩnh trên nền xanh biếc. Ngày tốt nghiệp, mối quan tâm lớn nhất của cử nhân là trang phục của mình có vi phạm quy định hoài cổ của trường hay không. Trường kiểm tra đến tận đôi tất bạn đi, phải là đen tuyền mới được tốt nghiệp.
![1_1443840143.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/05/1-8431-1444004871.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LTZT949pyqf3rWlQpVHWpQ)
Ngày tốt nghiệp.
Trong năm 2009 trọng đại đó, nếu ông bác đứa bạn thân không gọi điện hỏi về lễ hội ánh sáng kỷ niệm 800 năm ở Senate House, chắc chẳng ai trong nhóm sinh viên chúng tôi biết về sự kiện. Cũng không mấy ai quan tâm năm nay trường có bao nhiều người được đề cử giải Nobel.
Thế nhưng, mỗi lần vé đi May Ball, một dạ tiệc cuối năm nổi tiếng, của college như Trinity, John’s hay Clare (Đại học Cambridge gồm 31 college thành viên) bắt đầu bán, sinh viên đổ xô đi mua, mặc cho giá vé tận hơn 100 bảng. Formal hall, một bữa tiệc sang trọng kiểu Harry Potter, là tâm điểm chú ý khác của sinh viên. Gần như tháng nào tôi cũng mong ngóng đi một cái.
![2_1443840150.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/05/2-2754-1444004871.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CGouXVxZwY5BRIQai2az9w)
Hall, nơi tôi ăn sáng, trưa, tối và Formal Hall.
Cambridge có vẻ đúng như người ta nói: nơi dành cho người thuộc dòng dõi quý tộc, họ kiêu, tự cho mình là hơn người với những truyền thống cổ hủ và bữa tiệc kiểu hoàng gia.
Tôi cũng từng có lúc thấy vậy. Tôi từng choáng, sợ những người bạn học cùng, họ ăn mặc bảnh bao, uống rượu port, tiệc tùng thâu đêm, mà điểm thì vẫn cao.
Đã có những lúc, tôi chỉ muốn thời gian trôi thật nhanh để được thoát khỏi nơi này. Nhưng danh gia vọng tộc không phải là vấn đề, mà vì tôi thấy mình thật dốt.
Có tuần tôi phải viết đến 5 bài luận về 5 chủ đề khác nhau và giải ngần ấy bài toán hóc búa. Hiểu được đề bài đã là một thành công, kể cả với người bản địa. Một tuần đọc 6 bài nghiên cứu hay sách khác nhau là chuyện bình thường. Tôi thường chỉ kịp đọc 30% những bài thầy cô gợi ý.
Trong những buổi supervision, mô hình lớp siêu nhỏ không quá 4 sinh viên, những gì tôi viết trong bài luận được thách thức đến khi tôi chỉ biết im lặng, nhìn xuống đất. Có lần nhóm tôi nhận được một câu thẳng thắn từ thầy hướng dẫn: “Các bạn nghĩ tôi thích ngồi ở đây với các bạn hay làm công trình nghiên cứu của tôi hơn?”.
Khi làm luận văn tốt nghiệp, tôi chỉ gặp được thầy hướng dẫn duy nhất có một lần, trong 10 phút vì những lần sau ông đang bận ở châu Phi, Đức hoặc Mỹ. Thầy thậm chí còn không biết hạn nộp luận văn là ngày nào bởi khi tôi nhận được lời nhận xét, tôi đã nộp bài mất rồi.
Chúng tôi, những sinh viên Cambridge cũng chưa bao giờ được xem tờ đáp án hay barem chấm điểm. Một năm, chúng tôi thi duy nhất một lần. Khái niệm thi lại không tồn tại. Một học kỳ kéo dài 8 tuần, một năm có 3 kỳ. Nghĩa là mỗi năm, thời gian học và thi chỉ có vẻn vẹn 6 tháng; 3 năm như vậy là thành cử nhân. Trong 6 tháng kỳ nghỉ chúng tôi làm gì? Thực tập, nghỉ ngơi và... học bù.
Cậu bảnh bao mà tôi bảo ăn chơi suốt ngày ư? Kỳ nghỉ Noel cậu ở lại trường để học. Đứa bạn tốt nghiệp thủ khoa năm tôi? Cả hè nó dành để học trước chương trình.
![3_1443840160.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/05/3-6316-1444004871.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-lnJpx43QzTCbz7nDyRFtg)
Đọc sách kinh tế trong thư viện khoa lịch sử.
Nên không có gì là ngạc nhiên khi dân Cambridge không quan tâm đến người đạt giải Nobel hay kỷ niệm 800 năm. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng tôi thích những bữa tiệc kiểu hoàng gia. Đó là cách để cân bằng tinh thần đang tụt dốc trước khi ý nghĩ “tôi thật vô dụng” thắng thế. Các bạn trẻ vốn quen với danh hiệu “học sinh xuất sắc” bỗng dưng thành bình thường. Muốn nổi bật thì phải biết chơi giỏi. Nhưng chỉ cần bạn sa sút trong việc học, bạn trở thành con số không trong cộng đồng này.
Môi trường này dường như rất là... độc!
Độc, giống một thế giới của người lớn đầy chông gai, thậm chí là tàn nhẫn. Nơi bạn phải biết tự thân tồn tại, không cẩn thận là bị bỏ lại một mình phía sau. Đó là cảm giác của tôi khi bị trường thách thức đến giới hạn của bản thân với những yêu cầu trên trời. Bạn bè gặp nhau thì câu cửa miệng là “nhiều bài quá”. Tôi từng vẽ ra cho mình cái chuẩn về số lượng thứ phải đọc cho bằng bạn, để rồi ngồi ì cả ngày trong thư viện và... ngủ gật. Kết cục là ban ngày tôi ngồi chơi, khi người ta ngủ thì tôi vội vàng làm bài cho kịp.
Nhưng trường không có khái niệm “sách bắt buộc”, thậm chí sinh viên không cần phải lên giảng đường. Duy nhất supervision là bắt buộc, nhưng bạn làm bài tốt hay kém trong supervision thì chẳng ảnh hưởng đến điểm số. Không có bài tập nhóm hay điểm thuyết trình gì hết.
Dần dần, tôi đã hiểu. Mọi thứ bắt đầu từ kỳ ôn thi. Đó là khi nhiều nội dung hóc búa mới vỡ lẽ, sau khi tôi sâu chuỗi được tất cả các bài học. Đó là khi tôi đọc được sách hay khiến tôi tỉnh cả người. Để rồi tôi nhận ra tôi không cần đọc cả tấn tài liệu. Duy nhất có một thứ quan trọng: hiểu và giải quyết được vấn đề - bằng cách nào thì trường không quan tâm.
Cambridge bỗng dưng trở thành một thiên đường không tưởng. Muốn đọc gì cũng có vì tất cả cuốn sách được xuất bản ở Anh trường đều có. Không thích bài giảng 9h sáng hàng tuần thì tôi có thể ở nhà ngủ, chiều lên thư viện kiếm tài liệu để tự học. Tôi chán ngồi ở thư viện của khoa kinh tế thì tôi sang khoa khác ngồi. Trời đẹp thì tôi ra bãi cỏ nằm hay đi chèo thuyền. Uể oải thì tôi có thể chơi miễn phí đủ môn thể thao. Ớn kinh tế thì tôi đi nói chuyện với bạn học lịch sử.
![4_1443840170.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/05/4-1876-1444004872.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=te8fCaRB3rInB-g6-E5OmQ)
Mỗi khi trời đẹp là y như rằng, sông Cam gặp nguy cơ tắc đường.
Và tôi hiểu ra, trải nghiệm Cambridge hay cuộc sống nói chung phụ thuộc vào mình thôi. Tôi có thể chọn chửi thề Cambridge vì bỏ mặc sinh viên hay cám ơn nơi này vì tạo ra môi trường học thuật tuyệt vời, nơi cách học của mỗi người được tôn trọng, miễn là sự tò mò và yêu tri thức được nuôi dưỡng liên tục.
Bởi thế, Cambridge lại khác biệt. Chưa nơi nào tôi thấy tri thức và công cuộc tìm kiếm chân lý được đề cao đến vậy. Trường không đào tạo kỹ năng mềm phục vụ nhu cầu của thị trường lao động mà là đào tạo những cái đầu biết nghĩ. Và cái đẹp của Cambridge nằm ở đó. Như Bertrand Russell, triết gia nổi tiếng và cựu sinh viên của trường viết: “Có một thói quen có giá trị tôi tiếp thu được ở đó và đó là sự trung thực trong trí thức (intellectual honesty)”.
![5_1443840178.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/05/5-6025-1444004872.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K7Aie8F-49vvVhtc9P3dFQ)
Quyển sổ của Newton.
Trường giống một cụ già uyên bác lụi cụi đi tìm chân lý, cười khẩy trước những xu hướng bồng bột của xã hội và nhất quyết không chịu bỏ thói quen cũ như cái thời khoá biểu từ thời trung cổ, với thứ 5 là ngày đầu tuần.
Có lẽ vì thế mà Cambridge không tạo ra nhiều CEO start-up nổi tiếng, nhưng trong suốt 800 năm, đây là cái nôi của những cuộc cách mạng khoa học và công nghệ với thuyết vạn vật hấp dẫn, thuyết tiến hoá, nền tảng của kinh tế vĩ mô hiện đại, cấu trúc ADN, máy tính đầu tiên...
Và tôi tin sẽ còn có nhiều cuộc cách mạng nữa vì trường hiểu, bên cạnh những “thanh niên năng động và sáng tạo”, thế giới sẽ luôn cần những “cụ già uyên bác”.
Lê Giang Lam