Dù tên có vẻ buồn, nhưng hồn của đĩa nhạc vẫn phảng phất niềm vui. Đức Tuấn cảm nhận về những nỗi nhớ, niềm thương, tình yêu trong nhạc của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn chỉ buồn như "những dòng sông nhỏ", "Rồi cũng sẽ bỏ ta đi....", theo cách nói của anh. Ngậm ngùi... chiếc lá thu phai lấy tựa từ một câu trong Chiếc lá thu phai và cũng là tên bài hát của Phạm Duy.
Ảnh bìa đĩa Ngậm ngùi...chiếc lá thu phai. |
Trong 3 bài hát của Phạm Duy, Đức Tuấn thể hiện thành công nhất Áo anh sứt chỉ đường tà. Giọng ca trẻ không "ầm ầm rung" như Elvis Phương mà chất chứa hơn bởi sự sâu nặng của cảm xúc. Cũng với lối hát "lạt mềm buộc chặt", Thuyền viễn xứ, Ngậm ngùi thể hiện một Đức Tuấn "nửa già nửa trẻ". Chất giọng sáng, hát dạt dào tình cảm, có phần nức nở làm cho "biết là bao sầu trên xứ người..." của Phạm Duy vừa da diết, vừa thanh thoát.
Với nhạc Trịnh Công Sơn, Đức Tuấn có phần trầm tĩnh hơn so với cách thể hiện trong Đêm thần thoại. Anh không phá cách như Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, cũng không mộc mạc như Khánh Ly, mà dìu dặt theo phong cách bán cổ điển. Chiếc lá thu phai, Tôi ru em ngủ nhẹ nhàng, rất phù hợp với sự bay bổng của Tuấn. Tuy nhiên, với Này em có nhớ, nếu giọng anh gợi chút nhói lòng, thay vì cứ "đẹp đẹp, êm êm" thì ca khúc sẽ "tròn trịa" hơn rất nhiều.
Sau Đôi mắt người Sơn Tây, CD này vẫn ra mắt một cách khiêm tốn với vỏn vẹn 6 bài. "Âm nhạc của Ngậm ngùi... chiếc lá thu phai phù hợp với những khán giả yêu thích sự lãng mạn, suy tư, vì vậy mà cảm xúc cũng cần cô đọng, gọn gàng hơn", anh giải thích.
Ca sĩ Đức Tuấn. Ảnh: Phạm Hoài Nam |
Với những CD nhạc xưa ra đời liên tục, có người nhận xét Đức Tuấn đang "trọng cựu bài tân". Tuy nhiên, anh vẫn tâm niệm sẽ thẳng bước với sự lựa chọn ban đầu của mình. Chàng ca sĩ trẻ khẳng định: "Tôi tin những gì có giá trị sẽ tồn tại lâu bền".
Đỗ Duy