Điện thoại sẽ biến thành công cụ thanh toán đa năng nhờ việc bổ sung thêm 1 chip NFC. Ảnh: Jeff Harris |
Khi sử dụng trong thực tế, thiết bị vi xử lý theo chuẩn NFC (Near Field Communication) gắn trong điện thoại sẽ gửi số thẻ tín dụng của người tiêu dùng (đã lưu trong điện thoại hoặc trong chip) qua sóng radio tầm ngắn. Đầu đọc điện tử ở các quầy thu ngân hoặc điểm soát vé sẽ giải mã con số này và hoàn tất việc thanh toán.
Khác với chip xác thực bằng tần sóng RFID và các công nghệ thanh toán không tiếp xúc hiện hành, chip NFC cho phép trao đổi thông tin 2 chiều bằng cách kết hợp một thiết bị phát sóng RF (radio frequency) và một đầu đọc dữ liệu vào thành một module với kích thước chỉ khoảng 5 mm. Điều này nghĩa là chip có thể nhận dữ liệu, chẳng hạn "giấy" biên nhận phát đi từ máy thu tiền, hoặc vé xe buýt tháng từ một thẻ (tag) nhúng sẵn trong biển báo ở bến xe buýt công cộng.
Minh họa ứng dụng điện thoại tích hợp chip NFC:
Tại quầy thu ngân. |
Tại ga, bến xe công cộng. |
Tại nhà hát, rạp chiếu phim. |
Người sử dụng máy di động thậm chí sẽ không phải mua điện thoại mới. Vì khi chuẩn NFC xuất hiện đại trà tại các cửa hàng vào đầu năm tới, các thiết bị adapter với kích thước to bằng thẻ miniSD của hãng SanDisk cũng có thể bổ sung NFC vào bất cứu chiếc điện thoại thông minh nào sử dụng hệ điều hành Symbian. Diễn đàn chuẩn NFC dự kiến đến cuối 2007, các giải pháp thanh toán bằng điện thoại di động sẽ xuất hiện diện rộng với nhiều ứng dụng đa dạng hơn.
Near Field Communication (NFC) là một chuẩn kết nối không dây tầm ngắn (mã hiệu là Ecma-340, ISO/IEC 18092), sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị với nhau khi có sự tiếp xúc trực tiếp hoặc để sát gần nhau ở khoảng cách vài cm. Do 2 công ty Sony và Philips liên kết phát triển, chuẩn NFC về cơ bản là sự kết hợp của công nghệ mạng và công nghệ xác thực không dây. Nó mở ra con đường cho các thiết bị thiết lập một dạng mạng ngang hàng (P2P) để trao đổi dữ liệu. Sau khi mạng này được được xác lập, thì các công nghệ kết nối không dây khác, chẳng hạn Bluetooth hoặc Wi-Fi, có thể được áp dụng nếu muốn kết nối tầm xa hơn hoặc khi cần truyền những lượng dữ liệu lớn hơn. |
Phan Khương (theo PopularScience)