Chuộng quýt Australia nên khi thấy các xe đẩy rao bán với giá 40.000 đồng một kg, chị Loan ở quận Gò Vấp (TP HCM) đã đặt mua 5 kg. Chị kể trước mua quýt Australia giá tới 200.000 đồng một kg.
Tương tự, chị Hoa ở quận Bình Thạnh cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay đã mua vài chục kg quýt này. Theo chị, chúng rẻ, lại tươi ngon hơn hàng Việt và Thái Lan nên cả gia đình đều thích.
Khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP HCM cho thấy, loại trái cây này rất hút khách và xuất hiện trên toàn bộ các sạp. Tiểu thương cho biết, chúng là loại "quýt Australia trồng ở Sơn La".
Chị Hạnh, tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giải thích vì được trồng ở Việt Nam nên giá rẻ bằng một nửa hàng nhập khẩu. "Mỗi ngày tôi bán 50 kg quýt Australia, loại này trái mọng nước, ngọt chua đan xen nên khách hàng rất chuộng", chị Hạnh nói.
Không chỉ được bán ở các chợ, dọc đường Lê Đức Thọ, Thống Nhất (Gò Vấp), Xa Lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), các xe đẩy cũng treo biển "quýt Australia", giá khoảng 40.000-50.000 đồng một kg, thậm chí có nơi chỉ 35.000 đồng.
Trong khi các tiểu thương, chủ xe đẩy khẳng định là quýt Australia trồng ở Việt Nam, anh Toàn – đầu mối chuyên buôn trái cây ở đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) cho biết, toàn bộ là hàng Trung Quốc. Đây là giống cam Ôn Châu của Trung Quốc trồng thành công 2 năm gần đây. Năm nay, sản lượng tại Trung Quốc lớn nên hàng ồ ạt về Việt Nam.
Theo anh Toàn, loại này có hình dáng rất giống quýt Australia. Tuy nhiên, cam Ôn Châu trái to, thậm chí có quả trọng lượng gấp đôi hàng Australia. Loại này có vị ngọt thanh nhẹ, mọng nước và chất lượng không thua kém gì hàng Australia.
Ghi nhận tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho thấy, loại này trên bao bì có ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng được đóng thành từng sọt (11-12 kg), giá bán sỉ 190.000-230.000 đồng (tùy thời điểm mua).
Tượng tự, tại một số chợ đầu mối online, cam Ôn Châu cũng "phủ sóng" và được rao bán với giá từ 8.000-15.000 đồng một kg tùy loại và tùy số lượng khách đặt mỗi lần.
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc bộ phận kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, khẳng định "quýt Australia" bán tại chợ thực chất là giống cam Trung Quốc. Chúng là một dạng giống quýt Australia nhưng được trồng ở Trung Quốc. Loại này về chợ có đầy đủ giấy tờ và kiểm dịch hợp lệ.
Tiểu thương gắn mác "quýt Australia" trên hàng Trung Quốc là để dễ bán. Bởi tâm lý ngại mua hàng Trung Quốc của nhiều người dân khiến một số dân buôn không dám công khai nguồn gốc. Tuy nhiên, theo ông Phương, việc gắn mác như vậy là sai quy định. "Hiện nay hàng Trung Quốc cũng đã cải tiến về chất lượng và được kiểm soát chặt nên nhiều loại trái cây rất đảm bảo", ông Phương nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La, tỉnh này cũng chưa trồng giống quýt Australia. Do đó, việc các tiểu thương gắn mác "quýt Australia trồng ở Sơn La là thông tin sai lệch".
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 3 năm nay, nước ta chi gần 171 triệu USD nhập khẩu các loại rau quả từ Trung Quốc, tăng xấp xỉ 22% cùng kỳ năm ngoái. Hiện rau quả Trung Quốc chiếm gần 41% giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong quý I.
Thi Hà