Người gửi: Cẩm Tú
Khi đọc bài viết, tôi cũng bức xúc nhưng không hề ngạc nhiên, bởi từ lúc các con tôi đi học mẫu giáo cho đến tiểu học, tôi từng được chứng kiến những hình ảnh tương tự như thế này đối với con tôi và cháu khác ở các mức độ khác nhau.
Ai cũng biết ở lứa tuổi còn nhỏ các cháu rất hiếu động, chưa có ý thức... khiến các cô rất vất vả. Tuy nhiên để đạt được mục đích đòi hỏi các cháu lúc nào cũng nghe lời “tăm tắp” thì quả là khó. Chăm lo cho các cháu ở độ tuổi này đòi hỏi rất cao ở các cô lòng yêu nghề, yêu trẻ, tình thương, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp...
Câu chuyện dọa cho vào máy giặt, hay nhốt vào hầm tối, hay không nín thì cho vào tủ... hoặc na ná như thế, tôi đoán chắc còn xảy ra ở nhiều trường. Có cháu chỉ vì câu dọa của cô mà ông bố, bà mẹ khổ sở vì phải nịnh con đi học.
Như hồi con tôi học lớp 2, vì cháu mất trật tự trong giờ học, cô chủ nhiệm tát vào má, chẳng may cháu phản xạ nghiêng đầu thế là cô tát phải mắt cháu. Do tát hơi mạnh tay, nên mất một lúc cháu mới mở mắt ra được, nước mắt cứ chảy ra giàn giụa. Tôi biết cô giáo cháu cũng rất lo lắng nên đã ngồi xoa mắt cho cháu và xin lỗi cháu. Một vài cháu trong lớp cũng bị “cô trông trưa” (do học bán trú) dùng thước vụt tím chân vì không chịu ngủ.
Là cha mẹ học sinh tôi cũng thông cảm nỗi vất vả của các cô lắm. Tuy nhiên các cô cũng đã được đào tạo về sư phạm, về tâm lý giáo dục. Tôi biết rất nhiều giáo viên không cần phải doạ nạt hoặc thái quá vấn đề gì đó mà học sinh vẫn vào nề nếp. Thiết nghĩ đây cũng là “vấn đề” của ngành giáo dục nói chung.
Người gửi: Chi Nguyet
Với suy nghĩ chia sẻ về chuyện gửi con, sau khi đọc bài cô giáo dọa cho trẻ con vào máy giặt, thực sự tôi thấy cảm thông với các cô chăm sóc các cháu, dỗ cho các cháu ăn, ngủ. Đó là những việc làm thường ngày mà ở nhà ông, bà, cha, mẹ vẫn cố gắng làm.
Có những gia đình mỗi bữa ăn của con ngoài cơm, cháo, băng, đĩa, bố mẹ ông bà còn phải nhảy múa, đôi khi làm ngựa.. và đôi khi cũng phải có cả cái roi, cái phất trần bên cạnh để gây áp lực. Đấy là ở gia đình chúng ta chỉ có 1-2 trẻ, mỗi người ở nhà chia sẻ trông trẻ chỉ trong vài tiếng. Vậy mà nhiều bố mẹ khi ngồi nói chuyện với nhau còn tâm sự: "Thực sự là mệt với chúng, có những lúc chỉ muốn trốn vào toilet, đóng cửa ngồi một mình một lúc cho nó đỡ mệt mỏi".
Tôi cũng có hai con nhỏ, chồng đi làm cả ngày, chỉ ở nhà nghỉ trông con vài tháng mà thấy trở thành một người hay cáu giận. Những lúc cho con ăn, chuyện yêu cầu chúng ngồi một chỗ thật là khó khăn, hết bật băng, đĩa, nói chuyện, kể chuyện đến mỏi cả mồm, rồi đưa ra những tình huống: nếu con không ăn thì...
Có những hôm bát cháo hết, có hôm không, có hôm đến thìa cuối cùng thì lại ra hết, những lúc ấy thật là bực mình vì bao công sức mình bỏ ra, bao thời gian, mà con thì lại mệt nữa, không cho ăn lại thì sợ con đói, cho ăn lại thì con khóc, trớ... Nhất là sau thời gian ốm xong, các cháu hư vì đã quen được chiều. Khi đó lại phải tìm cách vừa thuyết phục, vừa đánh lạc hướng trẻ, thậm chí là phải đưa ra hình thức phạt (cũng là một phần của doạ) để các cháu ăn.
Đứng ở cách nhìn của một người mẹ, tôi thông cảm với các cô, chỉ vì mong và tìm cách cho các cháu được ăn no (ngược lại với những bài báo gần đây viết về một vài trường ăn bớt khẩu phần ăn của trẻ) mà các cô đã cố gắng. Có thể xuất phát từ bản năng, có thể từ áp lực công việc nhưng đó là cách làm chưa đúng, dễ dẫn đến hiểu lầm. Như việc vỗ vào trán để cháu khỏi trớ, cách mà nhiều bà mẹ có kinh nghiệm vẫn áp dụng làm, dễ bị hiểu lầm thành tát cháu).
Các cô hãy gặp, trao đổi với bố mẹ các cháu sau mỗi buổi đón con đế được cùng chia sẻ, cùng bàn cách nuôi, dạy các cháu, và tránh được những hiểu lầm.