Bệnh viện huyện có 71 y sĩ nhưng không thể học lên thành bác sĩ. Lý do là cả tỉnh đã cử hàng trăm người đi thi lên bác sĩ năm 2019 nhưng chẳng ai đỗ được. Nhiều năm qua, Lai Châu không có bác sĩ nào ở tỉnh khác xin về cống hiến. Chưa nói chuyện, để đào tạo ra một nhân viên y tế xã đã khó, để giữ được nhân viên y tế tốt còn khó khăn hơn rất nhiều.
"Làm đủ mọi cách mà chẳng mời được ai, chúng tôi từng kéo được một bác sĩ giỏi về nhưng rồi cũng chẳng giữ được lâu", vị giám đốc sở y tế chia sẻ. Đây là bài toán nan giải nhất trong việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc và miền núi, vùng xa, thách thức hơn nhiều việc trang thiết bị, dụng cụ, thuốc men.
Đồng bào dân tộc là những người có nguy cơ tụt lại phía sau cao nhất trong các nhóm yếu thế. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang được Quốc hội bàn thảo là một chủ trương đúng để thúc đẩy sự phát triển của cả quốc gia, với mục đích quan trọng nhất "không để ai ở lại phía sau". Tuy nhiên, khi đọc báo cáo của Chính phủ, tôi thấy dự án không hề nhắc đến nâng cao năng lực nhân viên y tế và thuốc men, dụng cụ y khoa - những lĩnh vực đặc biệt khó khăn, tối cần thiết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính vì vậy, trong báo cáo này, nguồn tiền dành cho y tế cũng thật khiêm tốn với 4.700 tỷ Đồng - khoảng 3% tổng dự toán của chương trình.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần điều chỉnh nhiều để chương trình lớn này thực sự hiệu quả, tránh lãng phí và hình thức. Thứ nhất, chúng ta đều biết y tế cùng và giáo dục là hai lĩnh vực an sinh xã hội quan trọng nhất, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên trong dự thảo chương trình mục tiêu, "hàm lượng" nhắc đến y tế chưa nhiều, không tương xứng với vai trò đặc biệt quan trọng của mảng này. Ở phần "mục tiêu chung", tôi thấy chỉ có 5 dòng và chưa đến 100 từ đề cập đến y tế. Nội dung chỉ tập trung vào cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, phụ nữ có thai được chăm sóc y tế và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Những mục tiêu này không xứng tấm với chương trình kéo dài 9 năm với dự trù tổng đầu tư trên 270 ngàn tỷ Đồng - số tiền rất lớn.
Phần "mục tiêu chi tiết" cũng chỉ đề cập đến hỗ trợ 4.200 phụ nữ trong thai kỳ và tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng. Nội dung này còn quá chung chung, chưa được chi tiết hóa bằng tiêu chí khoa học.
Việt Nam cho tới hôm nay đang giữ dấu ấn tốt đẹp trên bản đồ Covid-19 thế giới. Ngành Y tế đã góp phần không nhỏ trong chiến công này. Điều này chứng minh sự đúng đắn khi chúng ta phát triển hệ thống y tế cộng đồng rộng khắp. Nhưng để duy trì và phát huy điểm cộng này, chính phủ không thể quên tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế ở cấp xã, cấp huyện, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ hai, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là đầu tư cho con người - các nhân viên y tế ở tuyến thấp nhất. Họ cần cơ chế, hành lang pháp lý để được đào tạo liên tục, nâng cao chất lượng chuyên môn, nhưng song song với đó là bảo đảm thu nhập. Người có trách nhiệm đừng để như hiện nay, rất nhiều trạm y tế xã đã không còn bác sĩ và trong tương lai gần khi Bảo hiểm y tế thông tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện sẽ lại rơi vào khó khăn như tuyến xã.
Sau khi Thủ tướng chính phủ quyết định triển khai khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ các bệnh viện vùng sâu, vùng xa và đến trực tiếp với người dân trong đại dịch, rất nhiều bệnh viện vừa qua đã tổ chức hoạt động này. Những buổi khám chữa bệnh tại 11 huyện miền núi Hà Giang của bệnh viện chúng tôi tuần trước được hơn 130 nghìn lượt người xem và ủng hộ trên fanpage. Chương trình mục tiêu trên nhắc đến việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị. Tôi xin đề nghị phần kinh phí đó hãy để trang bị phương tiện và đào tạo hỗ trợ cho cán bộ y tế triển khai ứng dụng khám bệnh từ xa - telemedecin. Hiệu quả sẽ rõ ràng hơn nhiều những tấm bằng A tin học chỉ để nộp thi nâng ngạch viên chức của các "quan" xã.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi vừa trở về từ An Giang, đoạn đường duy nhất đi Châu Đốc bỗng sụp lở gần hoàn toàn vì biến đổi của thiên nhiên. Có ai không buồn khi nhìn thấy những cánh đồng đã từng mầu mỡ nay khô nẻ, héo hon?
Tôi nhận thấy Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là cơ hội lớn cho vùng đất đang đứng trước nguy cơ tụt lại ngày càng xa trong phát triển, thậm chí bị đe dọa đến sự tồn vong vì tình trạng biến đổi khí hậu dữ dội. Khó khăn rõ ràng nhất của họ chính là hạ tầng giao thông và xâm nhập mặn. Một giải pháp đã được nhiều nhà khoa học lên tiếng là tạo hệ thống giao thông vành đai ven biển phối hợp với trồng cây, giữ đất. Tôi mong rằng ý tưởng được đưa vào mục tiêu cần đạt được của chương trình trên. Một quy hoạch vùng tổng thể gắn kết với chương trình mục tiêu sẽ giúp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhau phát triển thống nhất, bảo đảm an sinh xã hội và môi sinh.
Cùng với sự quan tâm đến miền núi phía Bắc, hơn lúc nào hết, ta cần nhiều nguồn lực từ trung ương đến địa phương và cả các tổ chức, cá nhân để kéo vùng đất từng là vựa lúa của cả nước khỏi tụt hậu. Sao ta không chậm lại một chút, ngoảnh lại phía sau và cầm tay đồng bào của mình để cùng bước lên?
Nguyễn Lân Hiếu