Ngày 12/2, bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết chính quyền đã rà soát, buộc các hộ dân ven đường nơi đoàn lễ hội Làm Chay diễu hành qua không ném bột mì, hột vịt thối, tạt nước vào người dân.
![Người dân cùng thau nhựa, súng nước lẫn vòi xịt té nước người đi đường tại lễ hội Làm chay năm ngoái. Ảnh: Thường Sơn](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/z6310021478909-fc95554a506efa5-3573-2930-1739337423.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dxGeOf1zHyLrb-SqNRNyWw)
Người dân dùng thau nhựa, súng nước lẫn vòi xịt té nước người đi đường tại lễ hội Làm Chay năm 2024. Ảnh: Thường Sơn
Theo bà Quỳnh, trước đây lễ hội chỉ diễn ra tục lệ tạt nước nhưng chủ yếu tạt vào xe khách. Những năm gần đây, cách thức này bị biến tướng, kèm theo việc ném chất bẩn gây mất vệ sinh và nguy hiểm cho người đi đường, nhất là tại nghi thức chiêu u đường bộ thu hút nhiều người tham dự.
"Nạn nhân bị tạt nước có cả phụ nữ, trẻ em vô tình đi ngang qua lễ hội. Không ít người bị té ngã sau những cú tạt nước và ném bột mì", bà Quỳnh nói, cho biết các hoạt động chính của lễ hội trong đó có tạt nước diễn ra vào ngày mai.
Ngoài ra ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở trường hợp hóa trang thành ma quỷ, mặc trang phục kỳ quái, khiêu dâm không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Lễ hội Làm Chay diễn ra từ ngày 11-13/2 (14-16 tháng Giêng) hàng năm, tại khu di tích Đình Tân Xuân, khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, nhằm tưởng nhớ chí sĩ yêu nước Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự bị thực dân Pháp xử tử. Ngày nay lễ hội còn có ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và khôi phục các giá trị văn hoá dân gian truyền thống.
Với người dân địa phương, lễ hội được ví như "Tết Nguyên đán thứ 2", hàng năm thu hút khoảng 25.000 lượt du khách. Tại lễ hội còn có các hoạt động thu hút hàng nghìn du khách như bắt vịt, lễ chiêu u đường bộ, diễu hành xe hoa, thầy trò đường tăng đánh động yêu quái...
Thường Sơn