Chợ ở xã Dak Nham (Bình Phước) xây dựng bằng vốn 135, đang bỏ hoang. |
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Tài chính (cơ quan soạn thảo), thừa nhận dự án luật mới chỉ dừng lại ở các chế tài phổ biến: bồi thường, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến mức phải phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa thể quy định vào trong từng điều, vì phải thể hiện theo trình tự xử lý.
Theo ông Kiên, đa số thành viên Uỷ ban Kinh tế và ngân sách cho rằng, các quy định về tiết kiệm và chống lãng phí chưa thể hiện đậm nét ở những lĩnh vực có nhiều lãng phí, đặc biệt những nội dung liên quan đế việc quyết định chủ trương, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, xây dựng. Luật cũng chưa đưa ra được các nguyên tắc, yêu cầu trong việc ban hành, sửa đổi bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ để làm căn cứ đánh giá về tiết kiệm, lãng phí trong việc sử dụng tiền, tài sản của nhà nước.
Một trong những điểm mới trong dự luật lần này là quy định về giao khoán kinh phí hoạt động, giao tự chủ tài chính cho các cơ quan. Việc giao khoán kinh phí phải căn cứ vào tình hình sử dụng ngân sách của cơ quan. Người đứng đầu cơ quan được giao khoán kinh phí nếu không thực hiện được mục tiêu đề ra sẽ bị xử lý kỷ luật. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2004, có 160 đơn vị trực thuộc bộ và 682 cơ quan thuộc 53 tỉnh, thành đã khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Kết quả, các cơ quan thực hiện khoán đã tiết kiệm chi 3-20% tổng kinh phí được giao khoán. Năm 2003, các cơ quan thực hiện khoán đã tiết kiệm gần 40 tỷ đồng.
Việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành, tổ chức hội nghị, hội thảo cũng được luật hóa. Luật nghiêm cấm sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước để tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng. Nếu vi phạm, người quyết định chi phải bồi thường và xử lý kỷ luật.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, tình trạng lãng phí tập trung chủ yếu trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, trụ sở làm việc, nhà công vụ, đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ tính riêng lĩnh vực xe công, năm 2002-2003, qua kiểm tra tại các đơn vị, tổng số xe mua vượt tiêu chuẩn về lượng và giá lên tới gần 500, số tiền gần 56 tỷ đồng.
Tình trạng lãng phí trong đầu tư cơ bản còn khủng khiếp hơn. Nguyên nhân là do chất lượng quy hoạch thấp, quyết định đầu tư sai, vi phạm quy định về đấu thầu, đầu tư dàn trải làm phân tán nguồn lực... Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, đến năm 2004, cả nước có 1.433 dự án thuộc nhóm B và C (tổng đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng) kéo dài quá thời gian quy định, gây lãng phí trong sử dụng vốn.
Chiều 24/5, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo về dự án luật Thanh niên.
Việt Anh