From: Lê Anh Thư
Sent: Friday, April 18, 2008 3:42 PM
Subject: Gui toa soan: Dien dan Me chong - Nang dau
Tôi năm nay 34 tuổi, đang là nhân viên phòng dự án của một công ty. Đọc những dòng tâm sự và trải nghiệm về đời sống mẹ chồng - nàng dâu qua thư mục của tòa soạn, tôi cũng phần nào hiểu và cảm thông được nỗi niềm chia sẻ của chị em. Trong tâm tôi trào dâng một niềm cảm xúc khó tả mà tôi xin mạo muội chia sẻ cùng độc giả về 3 thế hệ nàng dâu trong gia đình nhà chồng tôi dưới đây.
Giống như biết bao người phụ nữ khác, tôi cũng lớn lên, đi học và làm việc xa quê, rồi lập gia đình và trở thành nàng dâu của một đại gia đình truyền thống trên đất Hà thành - nhà chồng tôi bây giờ. Có thể sẽ là may mắn dưới góc nhìn của người này và không may mắn dưới góc nhìn của người kia đối với một phụ nữ khi lấy chồng và cùng sống chung với gia đình nhà chồng, nhất là khi đó là một đại gia đình truyền thống 4 thế hệ.
Về kiếp làm dâu của bản thân, tôi xin phép được để bạn đọc nhận định qua những dòng tâm sự rất tâm huyết của tôi trong bài viết này. Nhưng trước hết tôi muốn dành một chút thời gian để nói về 2 thế hệ nàng dâu trong gia đình trước tôi, đó là bà nội chồng tôi và mẹ chồng tôi.
Ngày tôi chân ướt chân ráo về làm dâu nhà anh, chồng tôi là con trai trưởng không chỉ của gia đình mà của cả một dòng họ, tôi thầm hiểu vai trò và trách nhiệm của một nàng dâu trưởng như tôi sẽ là lớn lao và nặng nề. Vì gia đình có bà nội, bố mẹ chồng và chị chồng (hiện 38 tuổi, chưa lập gia đình). Bà nội chồng tôi có 9 người con, bố chồng tôi là con trai cả. Mẹ chồng tôi cũng làm dâu hơn 40 năm, từ lúc còn rất trẻ cho đến tận năm ngoái (2007) thì mới hết làm dâu. Bà nội chồng tôi sống thọ 97 tuổi.
Trong suốt thời trẻ, mẹ tôi cũng sống cùng bố mẹ chồng và các em chồng như tôi bây giờ. Được chứng kiến phần nào trong cuộc đời làm dâu của mẹ khi bà nội còn sống cũng như qua lời kể của mẹ và chồng tôi về ngày trước, tôi có thể mường tượng bà nội chồng tôi là một người đặc biệt khó tính, khắt khe và có tư tưởng quý tộc phong kiến trong gia đình.
Không ai biết được rằng bà nội chồng tôi ngày trước đã trải qua kiếp làm dâu khổ cực như thế nào, nhưng tôi đoán chắc mẹ chồng mình đã phải chịu nhiều thiệt thòi ghê lắm kể từ khi về làm dâu nhà chồng. Vì mẹ là người phụ nữ quá hiền lành, thêm phần chậm chạp do được cưng chiều yêu thương từ nhỏ trong một gia đình nền nếp có ba cậu anh trai và duy nhất một cô em gái.
Hiểu được điều đó tôi càng thấy thương và kính phục mẹ nhiều hơn vào sức chịu đựng, nhẫn nhịn và dù bằng lòng hay không bằng lòng cũng chưa một lần cãi bà nội nửa lời mà vẫn cần mẫn hầu hạ, chăm sóc bà nội chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm táp, giặt giũ… tất thảy mọi việc trên đời.
Tôi còn nhớ như in khoảng thời gian 2 năm về trước khi bà nội yếu rồi mất. Suốt 2 năm đó, bà gần như không nhớ được gì và có lẽ kinh khủng nhất là việc bà không sao kiểm soát được bản thân trong việc đi tiểu tiện và đại tiện, bất cứ ở đâu, vào bất cứ lúc nào. Trong thời gian đó nhờ có bố và đặc biệt là mẹ chồng tôi cần mẫn làm lụng mọi công việc hằng ngày để phục vụ, từ lau rửa, tắm táp, giặt giũ quần áo, giường chiếu sạch sẽ, sau đó lại chợ búa cơm nước cho bà và cả nhà.
Vợ chồng tôi và chị chồng đều phải đi làm ban ngày. Có chăng chỉ có thể tranh thủ giúp đỡ mẹ phần nào trong việc chăm sóc bà nội và làm việc nhà vào các buổi tối và ngày nghỉ. Thời gian có để giúp đỡ mẹ cũng thật ít ỏi, hiếm hoi vì chúng tôi còn phải chăm sóc con cái và có cuộc sống riêng của vợ chồng. Nhiều lúc tôi tự hỏi và dằn vặt không biết liệu chúng tôi có ích kỷ quá không?
Vợ chồng tôi tuy sống chung nhưng mọi thứ đều không đỡ đần mẹ chồng là mấy. Ngược lại được mẹ hết lòng chăm lo cho từ bữa ăn, trông cháu, chăm sóc nhà cửa đến việc nội - ngoại trong gia đình... Đơn cử ra đây chỉ từng bữa ăn sáng thôi, mẹ cũng dày công chuẩn bị chu đáo, chưa bao giờ là qua quýt: mỳ, bún, miến, phở với lúc thì thịt bò, khi thì thịt nạc sẵn sàng để chúng tôi tiết kiệm tối đa thời gian dành cho bữa sáng.
Bao năm qua rồi, các thành viên trong gia đình tôi vẫn có thói quen ăn bữa sáng ở nhà trước khi đi làm hay đi học nhờ có mẹ. Ngày cuối tuần được nghỉ, bố mẹ chồng luôn nhắc chúng tôi nên ngủ cho thỏa thích, lúc nào dậy cũng được để bù lại ngày thường vất vả lao động sớm khuya. Bao năm làm dâu, chưa một lần bà đánh thức chúng tôi dậy sớm và luôn để chúng tôi tự thu xếp giờ giấc sao cho hợp lý với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của hai vợ chồng.
Nhiều hôm thấy tôi đi làm về mệt mỏi, uể oải, bố mẹ chồng cứ bảo phải ăn gì cho đỡ đói và đi nằm cho đỡ mệt còn cơm nước mẹ lo cho… Những lúc mẹ con chuyện trò tâm sự, bà nhiều lần nói với tôi rằng: “Mẹ rút kinh nghiệm từ mẹ đã khổ cảnh làm dâu nên mẹ hiểu và không thể khó tính hay khắt khe với các con được”.
Rồi mỗi khi nghe thấy người nọ người kia kể lể, nói xấu về con dâu, tôi thường thấy mẹ phản đối: “Nói xấu con dâu có hay ho gì đâu, không ai lại tự đi vạch áo cho người xem lưng cả. Mà tại sao bây giờ có nhiều bà mẹ chồng hành hạ con dâu đến thế!”.
Những lúc ấy, tôi lại trào dâng xúc động nghẹn ngào và thầm cảm ơn trời Phật đã cho tôi được làm con dâu của mẹ. Từ ngày về làm dâu nhà chồng, tôi đã cảm phục rồi đến thương mẹ tự bao giờ không biết. Tôi biết ơn mẹ biết nhường nào!
Thời gian làm dâu 7 năm đã và đang dần trôi qua, vợ chồng tôi hiện giờ có 2 con gái nhỏ, đứa lớn hơn 4 tuổi đi học mẫu giáo còn đứa nhỏ gần 7 tháng tuổi. Cháu sau sinh thiếu tháng, nhẹ cân nên thời gian đầu chúng tôi nuôi cháu khá vất vả. Bố mẹ chồng tôi rất thương bọn nhỏ nên dành rất nhiều tình cảm cho 2 chị em. Trong nhà mọi việc chúng tôi đều phải nhờ vào ông bà cả.
Cứ sáng sớm ngủ dậy, mẹ tôi tranh thủ đi chợ mua thức ăn, sau đó về trông cháu để vợ chồng tôi đi làm. Giữa buổi bà cho cháu ăn, sau đó ông lên trông cháu để bà lại chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà (buổi trưa tôi về nhà ăn cơm). Ăn cơm xong bố mẹ chồng tôi cứ bảo: “Con lên cho con bé ăn rồi tranh thủ nằm nghỉ một lúc, bát đũa cứ để bố mẹ ở nhà dọn cho”.
Buổi chiều tôi đi làm về, bà giao cháu cho tôi xong lại tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều. Tôi có bắt tay vào phụ giúp gì thì mẹ lại bảo: “Thôi, con lên xem tắm rửa cho 2 đứa, việc dưới này cứ để mẹ làm cho”.
Bất cứ ai trong gia đình tôi nói thích ăn món này hay món khác là y rằng bữa sau mẹ đáp ứng ngay. Nhất là đợt tôi nghỉ sinh 2 đứa ở nhà, mẹ tôi vẫn cứ nhắc: “Muốn ăn gì thêm hay thèm gì thì cứ bảo với mẹ, con đừng ngại”.
Nhiều hôm, biết tôi hay thức đêm nuôi con nhỏ mẹ tôi cũng hay bảo tôi tranh thủ ngủ cho lại sức, “thức đêm và thiếu ngủ là mệt lắm con ạ”, việc nhà “nhẹ nhàng” cứ để đấy mẹ lo. Có những lần, tôi cảm thấy xót xa và thương mẹ vô cùng vì dù bị ốm hay mệt mỏi, nhưng mẹ vẫn cố gắng làm trọn việc nhà với tình yêu thương vô bờ để dành cho con cháu được nhàn hạ.
Bố mẹ tôi đều là nhà giáo đã nghỉ hưu (bố là GS.TS giảng viên trường ĐH Khoa học tự nhiên, còn mẹ từng là giáo viên trường THPT Quang Trung). Ai cũng bảo bố mẹ tôi hiền lành, sống đức độ với tất thảy mọi người. Tôi còn học được nhiều lắm từ bố mẹ lòng yêu thương con người. Thấy người đi bán bánh mỳ những hôm trời lạnh, ăn mặc ít áo, bố tôi gọi vào và tìm vài cái quần cái áo của bố tôi và của chồng tôi để cho họ.
Ngày nào hầu như bố tôi cũng mua một cái bánh mỳ mặc dù có thể là hôm đó bố tôi không ăn, lý do đơn giản lắm bố chỉ mua để giúp đỡ và ủng hộ người ta. Nhà chị bán gạo cho nhà tôi nghèo, lại nuôi các con đi ăn học, thỉnh thoảng chưa có tiền nộp tiền học cho bọn trẻ, chị ấy lại đến vay tiền của mẹ tôi rồi trừ vào tiền gạo ăn của nhà tôi. Có khi số tiền được trừ bằng số gạo mà cả nhà phải ăn hàng năm mới hết.
Mẹ tôi vẫn thường thanh minh cho việc làm của bà rằng “Mình có ít có nhiều thì giúp đỡ người ta, họ còn vất vả và khó khăn hơn mình”… Còn nhiều chuyện, nhiều chuyện lắm tôi không sao kể hết về mẹ chồng tôi được. Tôi mong sao sau này tôi chỉ cố gắng bằng 1/10 của bà thôi là cũng đủ hãnh diện với con cháu lắm rồi.
Thoạt đầu nghe hoàn cảnh của tôi, chắc hẳn mọi người nghĩ tôi rồi sẽ phải chịu áp lực ghê gớm về bổn phận, trách nhiệm của một đứa cháu dâu, một người con dâu và một nàng dâu trưởng, kể cả việc chỉ sinh được hai cô công chúa bé bỏng chứ không phải là một đứa cháu “đích tôn” cho gia đình. Vậy mà cuộc sống của tôi hằng ngày vẫn êm đềm như thế đấy.
Phải chăng mẹ chồng chính là người đã tiếp thêm sức mạnh, vun vén và mang lại cho tôi cuộc sống mà tôi thầm mong ước trước khi gặp bà. Tôi hãnh diện với vai trò là con dâu của mẹ không phải vì đã làm nhiều điều cho mẹ mà vì mẹ đã dạy cho tôi biết hạnh phúc giữa con người với con người đơn giản chỉ là lòng yêu thương!
Hiện tại vào lúc này đây, khi viết ra những dòng ký sự này “trách nhiệm và bổn phận” của một nàng dâu trong tôi thôi thúc những ước mong rằng bố và mẹ chồng tôi sẽ luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để sống vui vẻ, sum vầy, để mãi mãi là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con và các cháu, chắt của ông bà.