Chuyến xe đò từ miền Tây lên TP HCM tuần rồi, tôi ngồi cạnh người đàn ông trung tuổi. Như nhiều người quê tôi, anh ăn mặc và nói năng chân chất, giọng anh trả lời điện thoại rất to, cả xe có lẽ đều nghe rõ. "A lô, tui đổi được tiền mới rồi, để tui bỏ vào thùng quà Tết biếu sếp luôn. Xong việc quan trọng này, ăn Tết cho dzui. Ờ, ở nhà yên tâm hen", anh phấn chấn cúp máy.
Thấy tôi nhìn anh tò mò, anh quay sang ái ngại và xin lỗi vì nói lớn tiếng. Tôi khoát tay bảo không có chi. Một lúc, anh phân bua: "Ở dưới quê, nay đi chuyến xe này lên biếu quà Tết cho sếp, chuẩn bị cả tháng mới được mớ đặc sản mà chưa đổi được tiền mới". "Ủa, đổi tiền mới chi anh?", tôi hỏi. "Thì mình cũng để một ít vào phong bì, cảm ơn sếp đã chiếu cố mình cả năm. Chưa kể còn để dành một ít để đến nơi chúc Tết và lì xì cho con sếp".
Công ty anh làm trong ngành xây dựng, kiểu như nhà thầu phụ. Có những dự án "ở trển" (tức TP HCM) đưa xuống tỉnh, nếu không có quan hệ thân tình thì không phải khi nào cũng được ký hợp đồng. Người ta giúp mình có công ăn việc làm, mình cũng phải chu đáo để "giữ quan hệ". Thấy tôi hơi khựng lại, anh xua tay nói: "Cái này là văn hóa bình thường chứ không có gì đâu cô ơi, ai cũng vậy hết trơn mà, nên mình cũng vậy cho phải".
Đến gần trung tâm TP HCM, chiếc xe 16 chỗ nhích từng chút giữa đoạn đường chật như nêm dù không phải giờ cao điểm. Các cô bác trên xe được dịp phàn nàn cứ sắp Tết là kẹt xe mắc mệt. "Cô thấy chưa, cuối năm ai cũng bận đi cảm ơn", người khách ngồi cạnh tôi cười.
"Ai cũng vậy nên mình cũng vậy" là tâm lý phổ biến đến mức người khách khệ nệ khuân mấy thùng "đặc sản" xuống chuyến xe khách ngày gần Tết với thái độ dường như rất hài lòng. Trên đường về nhà, tôi lăn tăn suy nghĩ. Không lẽ hành vi đưa tiền, quà để đổi lấy sự tạo điều kiện nhiều năm qua vẫn thế dù biết bao lời kêu gọi "chống tham nhũng" được người có chức sắc phát biểu khá định kỳ.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018 đã khảo sát hơn 14 nghìn người dân tại Việt Nam cho biết: tham nhũng là vấn đề được người Việt Nam quan ngại thứ ba, chỉ sau đói nghèo và phát triển kinh tế. Cũng theo báo cáo này, mặc dù công dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng có tham nhũng ở cấp xã, phường; chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. "Lót tay" để có việc làm trong khu vực nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ... đều được cho là chưa thuyên giảm.
Điều đặc biệt, tâm lý chung của nhiều công dân là sẵn sàng chi tiền để có thể xong việc. Khảo sát về liêm chính trong thanh niên, một báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ chiến lược Việt Nam 2016-2020 của Tổ chức Minh bạch quốc tế vừa công bố cho thấy, một tỷ lệ lớn thanh niên được khảo sát, 37%, không coi tham nhũng vặt "là vấn đề". Có 16% thanh niên tin rằng "sẽ có cơ hội thành công hơn" nếu sẵn sàng nói dối, gian lận, vi phạm pháp luật và tham nhũng. Khoảng 1/3 thanh niên được khảo sát nói rằng họ sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để có đươc lợi thế cho mình như để qua được một kỳ thi, xin được một loại giấy tờ, xin được việc... Đáng lo ngại nhất, số lượng "người sẵn sàng" này đã tăng lên trong lần khảo sát năm 2018 so với những năm trước đó.
Trong quá trình làm việc, tôi từng được nghe lời khuyên từ nhân sự của công ty tư vấn: "Cả xã hội này làm như thế, chị không làm sao có thể được việc của mình?". Tôi nghĩ câu nói này không hiếm gặp với nhiều người. Từ bao giờ, "cảm ơn", biếu xén được coi là con đường mà "cả xã hội này" đang đi? Để không bị giam xe do vi phạm luật giao thông, người ta rút ví; để con được quan tâm hơn ở trường, họ chi tiền; để sửa điểm thi, họ chi nhiều tiền... Người lớn chi tiền, trẻ con làm theo. Cấp trên chi tiền, cấp dưới xem việc đó "cũng thường thôi". Và cứ thế, vòng quay của bánh xe vay – trả tiếp tục.
Cũng trong báo cáo trên, 57% thanh niên tiếp xúc với cảnh sát có trải nghiệm tham nhũng, 46% thanh niên khi tiếp cận dịch vụ y tế có trải nghiệm tham nhũng, 40% thanh niên khi đi xin một loại giấy tờ hay giấy phép có trải nghiệm với tham nhũng. Dù 80% thanh niên tin rằng họ có thể góp phần phòng chống tham nhũng, nhưng chỉ có 50% thanh niên trong số đó cho biết họ sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Lý do khiến họ không tố cáo là vì "không nghĩ rằng việc báo cáo sẽ có tác dụng".
Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng cho biết, Chỉ số Nhận thức tham nhũng của Việt Nam năm 2018 đạt 33/100 điểm, xếp 117/180 nước, giảm 2 điểm và rớt hạng 10 bậc so với năm trước đó. Trên nghị trường Quốc hội, những lần tiếp xúc cử tri, những lần chất vấn công khai về hành pháp, tham nhũng luôn là đề tài nóng. Nhưng tại sao, nó vẫn không thay đổi? Phải chăng, cách chúng ta vẫn đang hô hào đã bị miễn nhiễm?
Những ngày cuối năm lại là những ngày dòng quà cáp, lời "cảm ơn" được người ta nô nức trao cho nhau. Tạm biệt người khách cùng chuyến xe đò, bắt xe về nhà, tôi mới đọc được bản tin đề nghị "chống tham nhũng mạnh hơn nữa". Liệu chúng ta có quyền hy vọng cải cách thực chất hơn từ những người đứng đầu để "cả xã hội này" bớt tất bật "cảm ơn" vào dịp Tết?
Ngô Tú Ngân