Thuở nhỏ, con vẫn thường theo bố đi khắp nơi. Mọi người vẫn thường bảo con là cái bóng của bố. Ngày con còn bé, những trận đau ốm vặt cứ "làm bạn" với con hoài. Bố đã dỗ dành con. Con hư quá phải không bố, cứ quấy khóc hoài. Con đau, bố cũng thức trắng. Khi đó, bế con trên đôi bàn tay rắn rỏi, bố chạy dọc cả nhà chỉ để làm dịu cơn đau cho con.
Con vẫn còn nhớ năm lên 6 tuổi, bố có chuyện phải về quê. Bố không yên tâm để con ở nhà mà lại phải mang con theo. Con đã ngây thơ nói "cứ một ngày con nhổ tóc trắng cho bố 10 cọng, mười năm sau về lại quê, tóc bố sẽ lại đen".
Vậy mà hơn 10 năm trôi qua, con đã không giữ lời hứa nhổ tóc trắng cho bố mỗi ngày... Tuổi thơ của con sẽ mãi êm đềm nếu không có một ngày con lớn, có những suy nghĩ của riêng mình và không có một ngày con bắt đầu ghét bố. Có người đã nói con là thiên thần của nhà mình. Khi đó con chẳng hiểu gì. Phải mất một thời gian dài, con mới thực sự hiểu hết những ẩn ý trong câu nói của bác đó. Giai đoạn mà thầy con gọi là "nửa ông nửa thằng, nửa bà nửa con" đó, con không còn nhìn ra những điều bố đã hy sinh cho con nữa. Khi đó con trở nên thật khó hiểu.
Những trận cãi vã giữa hai bố con càng ngày nhiều. Bố không thể nào hiểu được những gì đang diễn ra trong con, từng mâu thuẫn của con. Con không biết những gì đã xảy ra với mình nữa bố ạ. Không ít lần con vỡ òa trong vòng tay bố. Đó là lúc con bị bạn bắt nạt và bị thương trên trường. Cảm xúc đó vẫn còn vẹn nguyên trong con. Hình ảnh bố xuất hiện, con sà vào lòng bố và vỡ òa.
Hình như bây giờ con không còn khóc trong vòng tay bố như hồi còn thơ bé nữa. Con vẫn khóc đấy bố ơi. Những giọt nước mắt của con vẫn rơi mỗi đêm. Con khóc vì cảm thấy mình tệ quá. Chuyện gì xảy ra với con thế này, sao con có thể thay đổi thái độ với bố một cách bất thường như thế. Con khóc vì biết mình sai rồi. Nhưng con thật sự không điều khiển được chính mình nữa bố ạ.
Rồi con cũng bước qua cái tuổi ương ngạnh đó, con trở nên trầm tính và dần kiểm soát được những cơn bốc đồng của mình. Con vẫn cười và kể với bạn bè con rằng bố chiều con quá đáng (cũng may là con gái bố quá ngoan). Con nhận ra bố còn là người bạn lớn của con. Con không giấu bố điều gì và bố cũng thế. Con cũng thấy vui vì bố mẹ tin tưởng con, nhưng đôi khi con cũng chạnh lòng lắm. Có những lúc con lười học, chỉ ước bố cáu lên và bảo con đi học bài đi. Hay có những lúc con khùng khùng vậy đó bố.
Con học 12, áp lực thi cử đè nặng, áp lực từ phía người thân, họ hàng, từ phía mọi người trừ bố. Con biết, bố cũng đang chịu áp lực không kém gì con vì nhắc đến con là nhắc đến bố. Con đã trở thành "thương hiệu" của bố rồi. Hồi đó con vẫn giận bố lắm, vì lúc nào bố cũng "tùy con". Kể cả việc con chọn học trường nào, hay đưa ra quyết định gì, bố đều ủng hộ con (mà kể ra bố có đưa ý kiến gì thì chưa chắc con đã nghe lời, bướng quá đi mất, vì là con là con của bố đấy).
Và cuối cùng con cũng cầm được tờ giấy báo trúng tuyển mang về cho bố. Dạo ấy con khùng hơn. Con không hiểu sao có những đêm nằm suy nghĩ cuộc sống sẽ như thế nào nếu không còn bố. Bố vẫn đang ở cạnh con, vậy mà tối nào con có suy nghĩ điên rồ như thế và lại khóc. Nếu để bố thấy con khóc, chắc sẽ bị la dữ lắm. Con của bố không được khóc, con biết, con biết...
Con vào Sài Gòn gần một năm rồi bố nhỉ! Nhanh thật, cuộc sống xa nhà khiến con nhận ra nhiều điều hơn. Con thấy mình trưởng thành hơn. Con cảm ơn bố vì những bài học tự lập mà bố đã âm thầm rèn cho con trong suốt 18 năm ở nhà. Môi trường mới không khiến con cảm thấy bỡ ngỡ. Con nhận ra mình có thể "quăng đâu cũng sống được".
Cũng có lúc con cảm thấy mình thật sự vấp ngã. Song bằng niềm tin, sự yêu thương của các anh chị trong phòng và những người bên cạnh, con đã tự đứng dậy, bước đi tiếp bố ạ. Con đã không kể những điều này với bố, lần đầu tiên và có lẽ không phải là lần duy nhất. Con cần phải trưởng thành phải không bố? Bố từng nói với con "người ta được 10 thì con cũng được 7". Thật ra con còn được nhiều hơn cả 10 nữa. Con có bố, điều đó đối với con đã là quá nhiều rồi.
Nhiều người hỏi con "về nhà có 2, 3 ngày làm gì?" Con chỉ cười và trả lời "về nhà nhìn bố mẹ và ngủ". Con đã lớn lên bằng sự yêu thương, chăm sóc và cả những trận đòn roi của bố. Con bình yên khi được ở bên bố mẹ.
Sáng nay, anh hàng xóm chỗ con ở chơi với đứa con trai, con cười. Con nhớ hồi bé bố cũng từng "hùa theo" những trò chơi không tên của con như thế. Và con biết, bố vẫn đứng đó, âm thầm dõi theo con. Tự nhiên con nhớ bố quá...
Chu Nhật Quang