Tôi sinh gia trong một gia đình gia giáo. Bố là bộ đội công tác xa, còn mẹ là giáo viên mầm non công tác gần nhà. Tôi lớn lên trong sự giáo dục của mẹ và tình yêu thương nơi phương xa của cha. Cuộc sống của tôi trôi đi với những tháng ngày đẹp đẽ yên bình. Lớn lên trong vòng tay mẹ nhưng tôi không nhũng nhiễu nhiều điều, tôi sống tự lập và mạnh mẽ. Tôi giống bố, chính xác là một đứa con gái giống cha. Vậy nhưng giữa bố và tôi vẫn thường có nhiều quan điểm khác nhau, tôi không hiểu lắm, nhưng chỉ biết giữa bố con tôi là một khoảng cách có thể xa vạn dặm. Khi bố nghỉ hưu về nhà rồi, tôi không thể mở miệng chúc bố ngủ ngon mỗi tối, khi sáng ra càng không thể nói rằng: “tối qua bố có ngon giấc không?” như những đứa con gái nhà người ta. Có thể rằng tuổi thơ của tôi không được sống với bố nhiều, ký ức của tôi về bố chỉ là một người bố bộ đội cả năm về thăm nhà được hai bận.
Bố tôi nghiêm khắc nhưng sống tình cảm, bố lạnh lùng nhưng không vô cảm. Đó cũng chính là tôi. Tôi biết bố tôi ho, bố ho nhiều đêm mà tôi nghĩ chắc cũng lâu lắm rồi nhưng chẳng bao giờ chạy chữa, tôi không bao giờ mở lời hỏi bố về sức khỏe mà chỉ dám ghi vội những yêu thương vào trang nhật ký. Còn tôi, khi trời đêm trở lạnh, bố vẫn thường bảo mẹ lên lấy thêm chăn hay bất cứ lúc nào tôi ho, bố lại bảo mẹ xoa dầu gió cho tôi. Tôi biết, nhưng cũng chưa một lần cảm ơn bố. Tôi và bố hiện diện là hai cha con mà người ta vẫn bảo giống hệt nhau từ hình thức đến tính cách, vậy nên chúng tôi chỉ có thể yêu thương trong tim mà nghẹn ngào chất chứa tình cảm. Tôi rất yêu bố.
Một ngày trời đông lạnh 21/12/2014
Khi tôi đang lồm ngồm bò khỏi chăn nghe điện thoại từ chị gái, chị bảo mẹ gọi điện rằng bố bị tai nạn, tôi cũng không rõ đã có những cảm xúc gì đi qua tôi lúc ấy. Tôi khóc như một đứa mất hồn, tôi run rẩy như một đứa trẻ con lạc cha. Chặng đường từ phòng trọ đến bệnh viện cảm tưởng dài vô cùng, nước mắt tôi ướt đẫm áo khoác anh rể - người chở tôi đến viện và thực sự rằng miệng tôi chỉ lầm bẩm duy nhất một câu: “mọi chuyện đều ổn”.
Đặt chân đến bệnh viện, chúng tôi nhận ra mẹ và chú bác, họ và bác sĩ đẩy bố trên giường lăn, toàn thân phủ lên một chiếc khăn trắng được chuyển sang phòng cấp cứu. Đó là cảnh tượng lần đầu tiên trong đời tôi thấy, trên thực tế nó khắc nghiệt và kinh dị gấp bội khi chỉ đọc qua lý thuyết trên phim ảnh. Hối hả, vội vã, đó là cảnh tượng của chúng tôi, những con người đứng hình nhìn thấy người bệnh trên chiếc giường lăn ấy. Tôi không biết bố tôi như thế nào, tôi cũng không rõ tôi phải làm gì nhưng đứng giữa không khí lộn xộn nước mắt, tôi biết bản thân mình đã chết đi một phần.
Một, hai, ba giờ đồng hồ trôi đi, nước mắt vẫn lặng lẽ rơi, sột soạt những cái dựa vai khi tinh thần không dám chắc phần sống. Trời chuyển về đêm, lạnh và nước mắt có thể thành băng đá. Bác sĩ bước ra và nói bố tạm thời đã qua cơn nguy kịch.
Đêm 21/12/2014
Nhật ký chất dày những yêu thương của con gái dành cho bố. Con hứa với bố con sẽ làm tốt, con sẽ làm thật tốt những công việc trong cuộc đời con. Con gái yêu bố không phải cứ chăm chăm nói bằng những lời không chắc đã thực tâm, nhưng cũng không phải chỉ giấu nhẹm nó đi, bởi thứ tình cảm phụ tử không phải cứ lặng lẽ mới được ghi nhận. Con sẽ sửa, nhất định rồi, bố hãy gắng lên người cha quân nhân vĩ đại cuộc đời con. Và mọi chuyện đều ổn, Tết này sẽ là Tết đoàn viên của gia đình mình cha nhé. Con yêu cha, chúc mừng ngày của cha, ngày quân đội Việt Nam 22/12.
29/12/2014
Cũng nhờ có nghị lực của người lính và tinh thần mạnh mẽ của gia đình truyền lửa thật nhiều, bố được xuất viện khi sức khỏe cũng ổn định hơn chỉ trừ cánh tay bố bị chệch xương nên không thể làm được nhiều việc.
Kết thúc môn thi cuối cùng với thật nhiều hy vọng về một kỳ thi dành kết quả cho cha, tôi về quê. Gặp bố, tôi không khóc như một kẻ nhút nhát mềm yếu, nước mắt không phải thước đo của thất bại, nhưng mềm yếu thì có. Nên tôi cười, tôi cười thật nhiều vì sức khỏe bố đã tốt hơn rất nhiều. Lần đầu tiên tôi nắm chặt tay bố, xoa bóp cho đôi tay sưng tấy, cho đôi chân đã đi nửa cuộc đời. Đôi bàn tay, bàn chân ấy đã chai sạn quá nhiều, vì việc nặng, vì nắng mưa, vì áo cơm cho vợ con gia đình được đầy đủ, hạnh phúc. “Cảm ơn cha, người đã dành cuộc đời vì gia đình, vì những tình yêu thương vô bờ bến nhưng chẳng bao giờ người nói ra. Cảm ơn cha, cảm ơn cha...”. Bất giác tôi nhìn lên bố, nước mắt bố cũng chảy từ bao giờ nhưng bố không thể lau được, hai bố con nhìn nhau trong tình yêu ngập tràn từ trái tim dâng trên khóe mắt.
Cuộc đời này đã bao nhiêu lần bố đã vội lau đi những giọt nước mắt của tình thân mà đi tiếp, nhưng tôi đâu biết. Cuộc đời này tôi chỉ biết bố là hiện thân của sự thành công và vĩ đại nhưng khi khó khăn thì có ai thấu hiểu? Bố đã đi nửa chặng đường đời với những nỗ lực ấy, với điểm tựa người vợ tảo tần và với những đứa con hiếu thảo. Cảm ơn bố vì đã coi chúng con như thế, vì bố luôn yêu thương và không bao giờ chối bỏ tình thân. Giờ tôi có thể hiểu tại sao bố con tôi giống nhau nhưng quan điểm lại khác nhau. Đó là bởi vì sự quyết đoán của chúng tôi quá lớn khiến không ai chịu mở rộng lòng và chào đón thứ tình cảm trực tiếp, chúng tôi yêu thích sự gián tiếp gửi những yêu thương và cảm nhận nó ở sâu thẳm trái tim. Và người đưa cho chúng tôi những bức thư tâm tình ấy là người ở bên cạnh hai bố con lạnh lùng chúng tôi suốt những tháng ngày buồn vui ấy, người mẹ của tôi.
Sắp đến Tết Nguyên đán rồi, khó khăn là trở ngại và thử thách nhưng khi vượt qua khó khăn rồi thì trang mới của cuộc đời sẽ hiện diện ngay thôi. Bố con sẽ khỏe mạnh và Tết đoàn viên nhất trong những cái Tết của gia đình. Cảm ơn cha!
Phan Như Quỳnh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |