Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Quảng Trị

Quảng Trị nằm ở ven biển miền Trung, có thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị cùng các huyện Cam Lộ, Đakrông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ. Phía bắc Quảng Trị giáp tỉnh Quảng Bình, nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía tây giáp hai tỉnh Savannakhet và Salavan của Lào, phía đông giáp Biển Đông.

Quảng Trị có địa hình đa dạng gồm núi, đồi, đồng bằng, cồn cát và bãi biển chạy theo hướng tây bắc - đông nam. Quảng Trị cũng có nhiều sông với 7 hệ thống sông chính là Thạch Hãn, Bến Hải, sông Hiếu, Ô Lâu, Bến Đá, Xe Pôn và Sê Păng Hiêng.

Di tích thành cổ Quảng Trị nằm giữa thị xã Quảng Trị, cách Quốc lộ 1A gần 2 km, cách TP Đông Hà khoảng 14 km. Ảnh: Nhà di tích thành cổ

Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, chuyển tiếp giữa khí hậu cận nhiệt đới gió mùa và nhiệt đới gió mùa nên Quảng Trị có thời tiết khắc nghiệt, thất thường. Nhiệt độ trung bình năm dao động khoảng 25 độ C, tháng 7 cao nhất (trên 40 độ C) tháng 1 thấp nhất (3-5 độ C ở vùng núi). Độ ẩm trung bình năm 80-85%.

"Gió Lào" thường xuất hiện rõ nhất từ tháng 5 đến tháng 8. Mỗi năm Quảng Trị có khoảng 40-60 ngày khô nóng. Từ tháng 10 đến tháng 2, Quảng Trị thường chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm mưa dễ gây bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở, lốc xoáy.

Di chuyển

Đường hàng không

Quảng Trị hiện không có sân bay. Muốn đến đây, du khách bay tới Quảng Bình hoặc Huế. Tần suất chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM tới Huế nhiều hơn Quảng Bình.

Sân bay Phú Bài, Thừa Thiên Huế, cách thành phố Đông Hà 90 km theo Quốc lộ 1A và 105 km theo CT01. Thời gian di chuyển tương đương, khoảng 1 tiếng 45 phút, có thu phí trên Quốc lộ 1A. Sân bay Đồng Hới, Quảng Bình cách thành phố Đông Hà 105 km theo Quốc lộ 1A. Thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc CT01 có hơn 30 km đi qua tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tổ Quốc

Đường bộ

Quảng Trị nằm trên Quốc lộ 1A, thuận tiện di chuyển bằng đường bộ. Du khách cũng có thể đi theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc CT01. Ngoài xe cá nhân, du khách có thể chọn nhiều nhà xe chạy tuyến Bắc - Nam và ngược lại như Camel Travel, Quốc Vương, Thiên Trung, Quang Dũng, Hoàng Long. Giá vé xe giường nằm dao động từ khoảng 400.000 đồng đến 800.000 đồng một chiều cho một người, tùy điểm xuất phát.

Đường sắt

Tàu Thống Nhất, trong đó có các đôi tàu nhanh SE1-2 và SE3-4, đều dừng ở ga Đông Hà. Giá vé dao động từ 400.000 đồng đến 1,3 triệu đồng tùy theo điểm xuất phát, loại tàu và hạng ghế/giường.

Lưu trú

Các khu lưu trú tại Quảng Trị tập trung chủ yếu ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các bãi biển lớn như Cửa Tùng và Cửa Việt.

Tại thành phố Đông Hà, du khách có thể chọn các khách sạn như Sài Gòn - Đông Hà, Mường Thanh - Quảng Trị, Golden Hotel, khách sạn Khải Hoàn, khách sạn Hữu Nghị có giá dao động từ 500.000 đồng đến một triệu đồng một đêm. Các nhà nghỉ, khách sạn bình dân hơn có giá dao động quanh mức từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tại thị xã Quảng Trị, du khách có thể chọn các khách sạn như Mekong Hotel, Ruby Light. Tại bãi biển Cửa Việt có khu nghỉ dưỡng Golden Sea Resort, khu nghỉ dưỡng Sepon Boutique với giá từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một đêm, ngoài ra có một số khách sạn nhỏ hơn có giá dao động quanh mức 500.000 đồng một đêm.

Tham quan

Quảng Trị nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử ghi dấu ấn những cuộc chiến tranh của dân tộc. Đến Quảng Trị, du khách không nên bỏ qua những địa điểm dưới đây.

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải

Cầu Hiền Lương (cũ và mới) bắc qua sông Bến Hải. Ảnh: Hoàng Táo

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải là địa điểm quan trọng của đất nước suốt 20 năm. Sau Hiệp định Genève 1954, vĩ tuyến 17 chạy dọc theo sông Bến Hải trở thành ranh giới chia cắt đất nước, chờ ngày tổng tuyển cử. Cầu được Pháp xây dựng năm 1952 với chiều dài 178 m, có 7 nhịp, trụ bằng bêtông cốt thép, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát ván gỗ thông.

Với khát vọng thống nhất, phía bờ bắc sơn cầu màu xanh thì bờ nam sơn vàng. Cuộc chiến màu sơn kéo dài mãi đến 1960 giữ nguyên hai màu xanh - vàng. Sau khi đất nước thống nhất, cầu sơn màu ghi. Năm 2014, cầu Hiền Lương lần đầu được phục dựng hai màu xanh - vàng, nhằm nhấn mạnh khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Đôi bờ Hiền Lương là "nhân chứng lịch sử" của đất nước. Cụm di tích hiện gồm đôi bờ Hiền Lương, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ bờ Bắc, nhà liên hợp, đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" ở bờ Nam, nhà bảo tàng vĩ tuyến 17. Đây đều là những điểm đến lịch sử không thể bỏ qua khi đến Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị

Nằm ở phường 2, thị xã Quảng Trị và cách Quốc lộ 1A 2 km về phía đông là thành cổ Quảng Trị. Thành được xây dựng gần 28 năm (1809-1837), từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng.

Thành có hình vuông, chu vi gần 2 km, chiều cao khoảng 4 m, mỗi cạnh 500 m, bao quanh là hào nước rộng 18 m, sâu đến 3 m với mục đích phòng thủ. Thành có 4 cổng, cổng chính nằm ở hướng nam. Từ thành Quảng Trị có thể đi vào nam hay ra bắc bằng đường sông, đường bộ, đường biển đều thuận tiện. Nơi đây từng phải hứng chịu tàn phá nặng nề của khối bom đạn khổng lồ trong chiến tranh.

Nghĩa trang Trường Sơn

Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Thành Đạt

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, nằm cách thành phố Đông Hà khoảng 25 km về phía tây bắc, cách Quốc lộ 1A khoảng 20 km. Nghĩa trang có diện tích 140.000 m2, trên ba quả đồi, cạnh thượng nguồn sông Bến Hải. Nghĩa trang được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành ngày 10/4/1977. Đây là nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn nhất Việt Nam, là nơi yên nghỉ của hơn 10.200 liệt sĩ, chia thành 10 khu vực theo địa phương. Nghĩa trang thuộc hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Bãi biển Cửa Tùng

Cửa Tùng nằm cách thành phố Đông Hà khoảng 30 km. Đầu thế kỷ XX, đây là một trong những nơi nghỉ dưỡng hàng đầu của người Pháp ở miền Trung do bờ cát trắng mịn, dài và thoai thoải. Trước đây bãi dài gần một km, hình cánh cung, bờ cát rộng 25-30 m. Từ năm 2003, tỉnh xây dựng nhiều công trình ở cửa sông Bến Hải gồm đê kè chắn sóng, cảng cá Cửa Tùng, cầu Cửa Tùng khiến dòng chảy thay đổi, bãi tắm Cửa Tùng bị xâm thực, cát dần bị cuốn trôi, nước đánh sát vào đến bờ kè.

Bãi biển Cửa Việt

Biển Cửa Việt cách trung tâm thành phố Đông Hà 17 km, cách Cửa Tùng 15 km về phía nam. Bãi biển Cửa Việt thoai thoải, nước trong xanh, là điểm nghỉ mát nổi tiếng nhất ở Quảng Trị. Những năm gần đây du khách thường có xu hướng tìm đến nghỉ ngơi ở Cửa Việt nhiều hơn Cửa Tùng. Mỗi năm Cửa Việt đón khoảng 30.000 lượt khách trong và ngoài nước. Một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn cũng mới được xây dựng.

Đảo Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ nằm cách đất liền khoảng 30 km. Trong kháng chiến chống Mỹ, người dân ở đây nhiều lần lập chiến công, được tuyên dương "đảo Anh hùng". Ngày nay, Cồn Cỏ tập trung phát triển du lịch lịch sử và trải nghiệm, cùng du lịch xanh.

Cồn Cỏ có diện tích 2,3 km2, vẫn giữ vẻ hoang sơ dù bắt đầu có một số dịch vụ du lịch. Hiện đảo có bảy cơ sở dịch vụ lưu trú với 73 phòng nghỉ, phục vụ cùng lúc gần 300 khách. Có hai tàu chạy tuyến Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ gồm ConCo Tourist (chở được 80 khách) và tàu Chín Nghĩa (156 khách).

Các điểm tham quan nổi bật trên đảo: cột cờ, hầm quân y, giếng mộ cổ, nhà truyền thống đảo Cồn Cỏ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bến Nghè, bến Tranh, đường dạo trong rừng, cụm bàng vuông. Tại đây còn có sân bóng đá nhân tạo, sân tennis. Đảo có nhiều san hô, đặc biệt là san hô đỏ lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, sao xanh, hải sâm và nhiều thủy hải sản có giá trị khác.

Địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc cách biển Cửa Tùng 7 km, địa danh gắn với những ký ức lịch sử của dân tộc. Địa đạo được xây dựng năm 1965 với chiều dài khoảng 2.000 m. Kết cấu bao gồm ba tầng dùng cho các mục đích khác nhau.

Chợ Đông Hà

Chợ Đông Hà nằm ở trung tâm thành phố Đông Hà, có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Chợ nằm bên cạnh sông Hiếu, có kiến trúc đặc trưng gợi hình tượng những con thuyền đang đậu sát nhau. Hiện nay, chợ là nơi phục vụ du khách các loại hàng hóa có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc và Lào, chủ yếu được nhập qua cửa khẩu Lao Bảo.

Thánh địa La Vang

Dấu tích của Thánh địa La Vang còn lại sau trận bom năm 1972. Ảnh: Hoàng Táo

Thánh địa La Vang nằm ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, là nơi hành hương quan trọng với người theo Công giáo đồng thời là một điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Trị.

Trong khuôn viên thánh địa còn dấu ấn của toà tháp xây bằng gạch đỏ cũ. Mùa hè năm 1972, thánh đường La Vang bị bom đạn chiến tranh đánh sập, chỉ còn tháp chuông tồn tại đến ngày nay. Phía trái tháp chuông là Linh đài và tượng Đức mẹ Maria. Các giáo dân tin rằng Đức mẹ hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Sau này, một nhà thờ được xây dựng ở khu vực có ba cây đa lớn, nơi Đức mẹ hiển linh, và được Toà thánh tôn phong là Tiểu vương cung thánh đường từ năm 1961. Năm 2012, Vương cung Thánh đường mới được xây dựng.

Khe Sanh

Khe Sanh nằm trên Quốc lộ 9 thuộc huyện Hướng Hoá, cách thị xã Đông Hà 63 km về phía tây. Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã xây dựng Khe Sanh thành cứ điểm lớn nhất trong tuyến phòng thủ đường 9.

Khe Sanh nằm trong một thung lũng đất đỏ cao hơn mặt nước biển 400 m, xung quanh là đồi núi. Đây là nơi đã diễn ra những trận đánh lớn trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Cụm căn cứ Tà Cơn với sân bay dã chiến đang lưu giữ nhiều hạng mục của chiến thắng năm 1968: nhà trưng bày, giao thông hào, hầm chỉ huy, hàng rào kẽm gai, đường băng, máy bay, pháo, xe tăng và nhiều hạng mục khác.

Làng cổ Bích La

Làng cổ Bích La 500 tuổi thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Làng còn là điểm tham quan ở Quảng Trị với một quần thể di tích đặc biệt. Xung quanh làng có nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng linh thiêng. Tại làng hằng năm đều có hội chợ đình, thu hút nhiều du khách từ mọi miền. Nơi đây còn lưu giữ nhiều trò chơi, thú vui dân gian như bài chòi, bình thơ, thổi gà đất, hát bá trạo, hò đối đáp, viết thư pháp.

Cửa khẩu Lao Bảo

Cửa khẩu Lao Bảo. Ảnh: Đào Nguyên

Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa, là cửa khẩu quan trọng trên biên giới Việt Nam - Lào. Đây cũng là một trong những khu vực được cho là sầm uất nhất Quảng Trị. Du khách sang Lào bằng đường bộ thường xuất nhập cảnh tại cửa khẩu này. Thủ tục thường khá dễ dàng và nhanh chóng, chỉ cần trình hộ chiếu. Bên kia cửa khẩu là tỉnh Savannakhet, nơi có nhiều ngôi chùa đẹp. Bạn cũng có thể thoải mái mua sắm các mặt hàng có xuất xứ Thái Lan với giá cả phải chăng.

Sông Đakrông

Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn rồi hợp với sông Rào Quán chảy theo Đường 9 xuôi về Ba Lòng và đổ ra Cửa Việt. Đến đây, du khách vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh núi non vừa được nghe những câu chuyện về cô gái Đakrông. Con sông cũng gắn với lịch sử, là nơi người dân chở bộ đội qua sông trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bắc qua sông là cầu Đakrông do Cuba giúp xây dựng sau năm 1975. Tuy nhiên, cây cầu đã bị sập năm 1999. Cầu dây văng hiện nay được xây dựng sau đó, trở thành điểm nhấn trong khung cảnh thiên nhiên.

Sông và cầu treo Đakrông. Ảnh: Bút Chiến

Bản Vân Kiều

Người Pako và Vân Kiều sinh sống ở huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh và Gio Linh. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm chiến trường Quảng Trị, ông Hồ Ray và một số đồng bào đã tìm gặp, xin Bác cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được mang họ Hồ để tỏ lòng thành kính, thủy chung đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến địa điểm du lịch này và khám phá văn hóa, nếp sống nơi đây sẽ mang lại những cái nhìn mới về cuộc sống và con người các dân tộc Việt. Người Pako và Vân Kiều có gia tài nhạc cụ phong phú, mỗi loại nhạc phục vụ một lễ hội khác nhau và đây cũng là điều đặc biệt của địa phương.

Ẩm thực

Cháo vạt giường

Còn được gọi là cháo canh, cháo bột hay cháo cá, cháo vạt giường là đặc sản người địa phương thường đãi khách. Cháo cá vạt giường có hương vị đặc trưng của bột gạo hay bột lọc và cá lóc. Không giống với các món cháo nấu từ gạo ninh nhừ, mềm, cháo vạt giường được làm từ bột cán mỏng, thái thành từng sợi nhỏ, dài như những thanh tre của vạt giường nên tên món ăn có từ đó.

Hương vị làm nên món cháo vạt giường chính là cá lóc hấp chín, lọc lấy thịt, đầu và xương giã nhỏ, chắt nước để làm nước dùng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận đươc vị ngọt của cá, bùi ngậy của hành phi xen lẫn vị ngọt của bột, cay của ớt. Phải sử dụng cả đũa và thìa khi ăn.

Bún hến Mai Xá

Bún hến Mai Xá và các món ăn từ con chắt chắt ở Quảng Trị. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch Quảng Trị

Du khách đến làng Mai Xá, huyện Gio Linh nên thử bún hến. Gọi là bún hến nhưng món ăn chủ yếu chế biến từ con chắt chắt, giống hến nhưng màu sậm hơn. Chắt chắt phải ngâm qua đêm cùng nước gạo cho nhả hết cát và nhớt rồi rửa sạch lớp bùn bên ngoài, sau đó luộc rồi đãi lấy ruột. Nước luộc được để lắng, dùng làm nước dùng. Người chế biến phi thơm hành mỡ rồi cho chắt chắt vào xào qua cùng chút gia vị cho thịt săn, đậm đà. Món bún ăn kèm nước mắm tỏi, gừng.

Mít luộc chấm mắm nêm

Mít luộc chấm mắm nêm. Ảnh: Diệp Đồng

Người dân Quảng Trị thường bổ mít theo chiều dọc thành từng miếng dài. Sau khi luộc đem cắt nhỏ để mít giữ được độ giòn, ngọt. Khâu luộc mít quan trọng nhất, quyết định chất lượng món ăn. Nếu luộc không chín, mít sẽ bị cứng, không nhả hết mủ nên sẽ có vị chát và ít thơm. Ngược lại, nếu luộc quá lửa, mít bị mềm, nhão, mất độ giòn. Mắm nêm pha thêm đường, chanh, ớt, tỏi. Khi thưởng thức, mít luộc có thể chấm mắm ăn trực tiếp hoặc dùng kèm cùng các loại rau thơm.

Lòng sả

Món ăn có cái tên nghe hơi lạ và nhiều người nghĩ đến cháo lòng ở miền Bắc. Lòng sả được chế biến từ tiết vịt hoặc lợn, có mùi sả đặc trưng. Tất cả cho vào nồi nước, nêm gia vị. Khi sôi, người ta cho lòng lợn hoặc vịt đã được làm sạch, cắt miếng vừa ăn rồi múc ra khi vẫn nóng. Người dân ăn món này với nhiều ớt, có tác dụng làm ấm nóng khi gió đông về hoặc giải cảm. Có thể ăn cùng bánh mì.

Thịt trâu lá trơng

Thịt trâu có thể chế biến thành nhiều món nhưng khi được nấu cùng lá trơng, sẽ cho hương vị lạ. Thịt trâu tươi được thái thành miếng vừa ăn, ướp gia vị cho ngấm rồi nướng cùng lá trơng. Thịt nướng đều, bên trong chín mềm, bên ngoài nâu, miếng thịt se lại. Thịt được bày ra đĩa cùng một số loại rau. Ngoài nướng, thịt trâu cũng thường được xào với loại lá này cùng tỏi, hành tây thái mỏng. Món ăn có vị cay nhẹ, hăng, thịt trâu ngọt.

Bắp hầm

Bắp (ngô) bán ở rất nhiều đường phố Quảng Trị và không có gì đặc biệt so với nhiều vùng khác nhưng vẫn là món ăn chơi đặc biệt. Để làm món này, người chế biến chọn những bắp ngô nếp hạt mẩy, không già quá cũng không quá non rồi tách hạt rửa sạch ngâm qua đêm. Cho hạt vào nồi đun sôi đến khi chín rồi thêm các nguyên liệu chuẩn bị sẵn như đậu xanh, đường, muối và một chút vừng vào trộn đều. Từng hạt nở bung vừa đủ, quyện lẫn cùng các hương vị khác khiến bạn cảm nhận được vị ngọt ngào, bùi và thơm.

Lưu ý

Thời tiết là điều cần lưu ý khi đến Quảng Trị vì sự thay đổi đột ngột hoặc sẽ gặp những điều kiện thời tiết cực đoan. Trước khi đến Quảng Trị, du khách nên xem trước dự báo thời tiết để có hành trình phù hợp.

Tâm Anh

Cập nhật 31/7/2024, 17:25 (GMT+7)