![]() |
Cục Thú y khuyến khích không chăn nuôi quy mô nhỏ dưới 30 con gia cầm. |
Ông Quang Anh đã chỉ ra một loạt các tỉnh không thực hiện tốt những việc trên, trong đó có: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bến Tre, Cần Thơ, Long An... Tại những tỉnh này vẫn còn tình trạng nuôi thả rông đàn thủy cầm, tồn tại quá nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ trong nội thành, nội thị. Về phía người dân, do mức hỗ trợ tiêu hủy thấp nên chần chừ trong việc tiêu hủy đàn thủy cần, nguồn lây bệnh quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông Quang Anh hy vọng với mức hỗ trợ 18.000 đồng/con vừa được Chính phủ ban hành, bà con sẽ mạnh tay hơn.
Ông Tô Long Thành, Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán Thú y trung ương, đưa ra thông tin không mấy sáng sủa: gần đây đã phát hiện một số gà nhiễm H5N1, nhưng vẫn sống khỏe mạnh, tương tự như trên đàn vịt. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa xác định được độc lực virus ở những con gà này là cao hay thấp. "Nếu nó cao thì gà sẽ nhanh chóng chết. Nhưng nếu thấp thì rất nguy hiểm bởi cơ quan thú sẽ khó giám sát đàn gà bị bệnh", ông Long nói.
Để ngăn ngừa dịch tái phát theo chu kỳ vào năm nay, tiến tới khống chế bệnh cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn cả nước vào năm 2006-2007, Cục trưởng thú y chỉ ra 4 giải pháp. Trong đó nhấn mạnh việc cấm chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị, khu công nghiệp. Trước mắt, lệnh này được triển khai ngay năm nay tại các thành phố như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Biên Hòa (Đồng Nai), Nha Trang (Khánh Hòa), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Hải Dương, Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Đông (Hà Tây), Thanh Hoá, Vinh (Nghệ An), Thái Nguyên. Các tỉnh còn lại được khuyến khích thực hiện, nhưng không chậm quá năm 2007.
Một giải pháp khác cũng được Cục Thú y nhấn mạnh là quy hoạch điểm giết mổ gia cầm và hệ thống lưu thông phân phối theo hướng xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở các thành phố; xoá bỏ chợ gia cầm sống trong nội thành, nội thị; tất cả chợ buôn bán gia cầm phải cách ly với nơi buôn bán các mặt hàng khác. Mục tiêu là trước năm 2007, các tỉnh thành phố kể trên phải hoàn thành xây dựng điểm giết mổ tập trung, những thành phố thị xã còn lại không chậm quá năm 2010.
Về việc tiêm phòng văcxin, ông Quang Anh đánh giá đây là giải pháp mạnh và mới, được WHO ủng hộ, nhằm hạn chế sự thải loại của virus H5N1 ra ngoài môi trường, góp phần khống chế dịch. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp sẽ mua 20 triệu liều văcxin của Trung Quốc, trong đó 10 triệu liều văcxin H5N2 tiêm cho đàn gà, 10 triệu liều H5N1 tiêm cho đàn vịt. Đầu tháng 8, 2 tỉnh được thí điểm triển khai tiêm phòng là Tiền Giang và Nam Định, đến tháng 10 sẽ triển khai tiêm văcxin bắt buộc ở những vùng có nguy cơ cao.
Trước tình trạng lây nhiễm cúm tuýp A/H5N1 đang gia tăng, ông Quang Anh khẳng định việc tiêm phòng văcxin phải rất thận trọng, có kế hoạch triển khai, cũng như quản lý sau tiêm phải thật chặt chẽ, được thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác. "Tỉnh nào chưa chuẩn bị tốt sẽ chưa triển khai tiêm phòng văcxin cúm. Về nguồn văcxin, Cục sẽ quản lý chặt chẽ, không có chuyện bán tự do trên thị trường", ông Quang Anh nói.
Như Trang