Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến chiều nay có 8 tỉnh thành ven biển từ Quảng Bình đến Phú Yên tổ chức cấm biển, riêng Khánh Hòa dự kiến cấm từ 14h ngày mai. Tàu thuyền được sắp xếp ở các âu thuyền, khu neo đậu. Đêm nay, biên phòng các tỉnh sẽ tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền tránh xa khu vực nguy hiểm, hoặc vào khu neo đậu an toàn.
Bộ đội biên phòng ở các tỉnh như Bình Định đã xuống khu neo đậu, dùng loa kêu gọi bà con rời tàu. Ở cảng cá Quy Nhơn, biên phòng phối hợp với Ban Quản lý cảng tổ chức kiểm tra, hỗ trợ ngư dân xuống cá bán cho các thương lái sớm để di chuyển tàu cá đến nơi trú tránh. Đến trưa 26/9, có 350 tàu cá vào đăng ký neo đậu tránh bão tại cảng Quy Nhơn, trong khi cảng có sức chứa khoảng 300 tàu.
Thành lập ban chỉ đạo tiền phương
Hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão Noru, trụ sở đặt tại TP Đà Nẵng. Trưởng ban là Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Phó trưởng ban là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Thành viên gồm lãnh đạo các bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ...
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo tiền phương là trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, tỉnh thành ứng phó với bão, bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất, giải quyết các tình huống phát sinh, cập nhật tình hình báo cáo Thủ tướng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan sáng nay đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dự kiến sáng mai, Phó thủ tướng Lê Văn Thành sẽ vào Đà Nẵng.
Còn 51 tàu đang ở vùng biển nguy hiểm
Cập nhật đến 18h chiều nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết còn 51 tàu với 437 ngư dân đang trong vùng nguy hiểm (bắc và giữa Biển Đông), giảm 43 tàu so với lúc 11h cùng ngày. Trong đó Bình Định có 19 tàu, Quảng Ngãi 17, Quảng Nam 14 và Đà Nẵng một tàu.
Bắc và giữa Biển Đông được xác định nằm trong vùng nguy hiểm của bão Noru. Khu vực này đang mưa, gió mạnh cấp 8-9, sau sẽ tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16, sóng biển cao 9-11 m, biển động dữ dội.
Ngoài số tàu ở vùng biển nguy hiểm, theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền với gần 300.000 người biết diễn biến và hướng đi của bão để chủ động di chuyển, thoát khỏi vực nguy hiểm.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đặc biệt lưu ý tàu thuyền về khu neo đậu cần chằng chéo cẩn thận, tránh va đập dẫn tới chìm. Những tàu vận tải phải trú bão trong cảng, không đậu ở luồng tuyến ra vào. Thực tế trong các cơn bão trước, nhiều tàu về bờ trú ẩn vẫn bị thiệt hại do va đập với nhau.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian chỉ đạo bão. Ông yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở, lũ lụt sau bão...
Một số tàu gặp nạn khi trú bão
Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, 19h30 ngày 25/9, cách đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa, khoảng 12 hải lý, một tàu cá Bình Định với 4 ngư dân bị mắc cạn. Đến 11h30 ngày 26/9, tàu đã được tàu Trường Sa 12 hỗ trợ về đảo Sinh Tồn Đông an toàn.
Khoảng 10h ngày 25/9, tàu China Board 1 (quốc tịch Panama, trọng tải 4.914 DW, không có hàng) đang từ Vũng Tàu đi Ma Cau thì gặp sự cố máy chính ở vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Tàu thả trôi tự do, trên tàu có 5 người Việt Nam và 9 người Trung Quốc.
Nhận được yêu cầu hỗ trợ, chiều 26/9, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II đã đưa 14 thuyền viên trên tàu vào cảng Chân Mây để tránh bão Noru.
11h ngày 26/9, cách đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 39 hải lý, tàu Phú Yên với 6 lao động bị hỏng máy, thả trôi, thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ. Cơ quan chức năng đã vận động được 3 tàu cá của tỉnh đến trợ giúp tàu cá trên.
Đà Nẵng cấm họp chợ, cho công chức nghỉ làm
Đà Nẵng nằm trong vùng bão tâm bão, rủi ro cấp độ 4. Tại cuộc họp sáng nay, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch thành phố Lê Trung Chinh đã thống nhất cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp... nghỉ làm từ 12h ngày 27/9 để chống bão Noru.
Đà Nẵng cũng quyết định ngừng họp chợ trên toàn thành phố từ trưa nay. Sở Công Thương đã lên phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân vùng bị ảnh hưởng của bão, trong đó có kịch bản hỗ trợ cho hơn 100.000 người phải sơ tán đến nơi ở tạm.
Ông Lê Trung Chinh cho biết, thành phố đã cho tạm dừng các cuộc họp chưa cấp thiết để tập trung lực lượng đối phó với bão. Lãnh đạo thành phố giao cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động phân cpong cán bộ, công chức, viên chức tham gia phòng chống bão, lũ tại các địa phương.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, trong kịch bản bão Noru mạnh cấp 14 đến cấp 17, thành phố phải sơ tán hơn 107.000 người, trong đó huyện Hòa Vang sơ tán nhiều nhất, với 30.000 người ở các vùng thấp trũng, nhà cửa không kiên cố.
Noru là cơn bão thứ tư vào Biển Đông trong năm nay, dự kiến đổ bộ vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi trong sáng 28/9. Trong 5 thang cấp độ rủi ro thiên tai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được xác định cấp độ 4; Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai cấp 3.
Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam (tháng 9/2006) với sức gió cấp 13, giật cấp 14. Bão gây mưa lớn cho khu vực Nghệ An - Quảng Ngãi, riêng Quảng Bình - Thừa Thiên Huế mưa 300-400 mm. 76 người đã chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.
Nguyễn Đông - Gia Chính - Phạm Linh