Chuyển địa bàn và giờ giấc các cuộc hẹn là cái mới trong công việc của nhiều trình dược viên sau khi một số bệnh viện như Chợ Rẫy (TP HCM), Việt Đức (Hà Nội) có quy định cấm tiếp trình dược viên trong giờ làm việc. Bệnh viện Chợ Rẫy đã yêu cầu bảo vệ không để trình dược viên vào tiếp thị thuốc. Cơ sở này cũng thông báo quyết định mới cho các công ty dược và quả quyết sẽ cắt hợp đồng cung ứng thuốc nếu có trình dược viên vi phạm.
Bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hy vọng rằng biện pháp này sẽ đạt được các mục đích: góp phần bình ổn giá thuốc, kiểm tra mức độ bác sĩ móc ngoặc với trình dược viên. Nhưng do lệnh cấm này chỉ có thể quản lý được các bác sĩ trong giờ làm việc nên bệnh viện sẽ phải áp dụng các biện pháp bổ sung như "bình" đơn thuốc và bệnh án, xem việc kê đơn đã chính xác chưa, việc sử dụng thuốc có hợp lý và an toàn hay không.
Ông Ngô Văn Toàn, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức, đồng ý nên cấm tiếp trình dược viên trong giờ làm việc để các bác sĩ tập trung vào nhiệm vụ khám chữa bệnh. Song theo ông, điều này không thể ngăn cản bác sĩ gặp trình dược viên bởi việc tiếp xúc này là cần thiết, do trong công tác điều trị bác sĩ luôn phải cập nhật các thông tin về thuốc. Sự tiêu cực không nằm ở chỗ 2 đối tượng này gặp nhau, mà ở chỗ công việc của trình dược viên Việt Nam đã vượt ra ngoài khuôn khổ giới thiệu thuốc. Họ hưởng lương theo số thuốc mà các bác sĩ "thân thiết" của họ kê cho bệnh nhân. Chính vì vậy, thay vì tổ chức các buổi giới thiệu thuốc công khai tại các khoa phòng điều trị, nhiều trình dược viên đã chọn con đường "hợp tác" với bác sĩ bằng phần trăm hoa hồng hấp dẫn.
Bác sĩ H., làm việc tại bệnh viện M. (TP HCM) cũng nghi ngờ về tính hiệu quả của biện pháp cấm kể trên. Theo ông, hiện tượng bác sĩ móc ngoặc với trình dược viên để nhận hoa hồng là có. Tuy nhiên, không cho gặp trình dược viên, cấm ghi tên biệt dược... chỉ là những biện pháp giải quyết phần ngọn. Thậm chí ông Trần Ngọc Ân, Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội, còn nhận định biện pháp cấm trình dược viên vào bệnh viện là "quá tả" và không giúp ích bao nhiêu cho việc ngăn chặn "mối liên minh ma quỷ" giữa một số bác sĩ biến chất và trình dược viên. Đó cũng là một trong các lý do khiến nhiều bệnh viện chưa có ý định làm theo Chợ Rẫy và Việt Đức.
Ông Trần Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cũng thừa nhận, cơ quan quản lý chưa có cách nào khả thi nhằm ngăn chặn sự móc ngoặc giữa bác sĩ và hãng dược. Bộ cũng không có ý định cấm trình dược viên đi vào các cơ sở y tế. Trong chỉ thị chấn chỉnh công tác dược tại bệnh viện, Bộ Y tế chỉ nói chung chung là "nghiêm cấm các cá nhân trong bệnh viện liên kết với trình dược viên chi phối việc kê đơn để hưởng hoa hồng"; còn thực hiện cụ thể ra sao thì tuỳ từng bệnh viện.
Hiểu rất rõ những khúc mắc trên, trình dược viên H. cho biết, sắp tới, nếu cơ sở y tế nào cũng cấm bác sĩ tiếp trình dược viên tại bệnh viện, anh và các đồng nghiệp sẽ vất vả hơn đôi chút vì phải chuyển sang làm trưa và tối. Tuy nhiên, những trở ngại mới đó không hề ngăn cản anh hoàn thành tốt công việc. "Chúng tôi không phải là thủ phạm gây tăng giá thuốc như nhiều người vẫn kết tội, và chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm việc vì trình dược viên cũng là một nghề được pháp luật công nhận", anh H. nói.
Thiên Phúc - Thanh Nhàn