"Nhu cầu tuyển dụng giáo viên song ngữ đang rất cao, trong khi mức độ thiếu hụt lớn", giáo sư Magaly Lavadenz, giám đốc điều hành Trung tâm Bình đẳng cho người học tiếng Anh tại Đại học Loyola Marymount, thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, nói hôm 23/6. "Các học khu, cộng đồng và gia đình rất muốn tìm giáo viên giảng dạy bằng ngôn ngữ của chính họ".
Nghị viện bang California đã bố trí ngân sách 5 triệu USD cho Hiệp hội Chương trình Đào tạo Giáo viên Song ngữ, giúp chuẩn bị nguồn lực giáo viên dạy ngôn ngữ châu Á như tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Hán phổ thông, tiếng Quảng Đông, tiếng Nhật và tiếng Hmong.
Chương trình tập hợp nguồn lực tại 10 trường đại học bang California, cho phép sinh viên đăng ký học tại bất kỳ cơ sở nào trong hiệp hội để nhận bằng giáo viên song ngữ. Bằng này cho phép họ được dạy bằng tiếng Anh cho học sinh học bằng tiếng Anh, đồng thời dạy chương trình cơ bản bằng ngôn ngữ khác.
Một phần lớn ngân sách sẽ dùng để tài trợ học phí vì rất ít sinh viên có xu hướng đăng ký các môn này. Đa số các tín chỉ đào tạo ngôn ngữ châu Á được tổ chức vào mùa hè hoặc xếp vào "chương trình mở rộng" yêu cầu sinh viên đóng thêm học phí và ít khả năng nhận hỗ trợ tài chính hơn.
"Mùa hè này, một số sinh viên muốn đăng ký học nhưng không thể do không đủ nguồn lực tài chính", Fernando Rodríguez-Valls, điều phối viên chương trình song ngữ tại CSU Fullerton, nói.
Gói ngân sách cũng giúp trả tiền trợ cấp cho các giáo sư có lượng sinh viên đăng ký học ít hơn do chương trình được tổ chức vào mùa hè. Các giáo sư đại học ở California thường được trả lương theo số lượng sinh viên đăng ký học.
Nikki Dominguez, giám đốc chính sách của tổ chức phi lợi nhuận Người Mỹ gốc Á Thúc đẩy Công lý Los Angelesh, đơn vị vận động chính quyền bang cấp ngân sách cho chương trình, cho rằng dạy ngôn ngữ châu Á là cách để tăng cường hiểu biết và ngăn ngừa phân biệt chủng tộc với người gốc Á.
"Chúng ta không muốn đợi tới khi những vụ bạo lực do thù ghét xảy ra, mà nên xem xét có thể đầu tư vào công tác ngăn ngừa thế nào. Một biện pháp nên làm là tổ chức các chương trình song ngữ. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra giáo dục là cách hiệu quả để tăng hiểu biết và tôn trọng giữa các nhóm dân tộc thiểu số", Dominguez nói.
Hồng Hạnh (Theo Edsource)