"Đó là quyết định khó khăn nhất trong quãng đời cầu thủ ngắn ngủi của tôi", Quỳ nói với VnExpress, sau khi được CLB SLNA chấp nhận thanh lý hợp đồng và giải nghệ.
Sinh năm 2004, Quỳ là con út trong một gia đình thuần nông có hai anh em ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An. Năm 2015, anh gia nhập lò đào tạo bóng đá của SLNA. Nhờ hình thể tốt, khả năng dứt điểm bằng cả hai chân, Quỳ liên tục phát triển, trở thành trụ cột của các lứa trẻ SLNA vô địch giải U11, U13 và U15 Quốc gia.
Tháng 8/2019, Quỳ là đồng Vua phá lưới giải U15 Quốc gia, được HLV Đinh Thế Nam triệu tập vào đội U15 Việt Nam tham dự giải bóng đá U15 quốc tế tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Giải này, Việt Nam về nhì sau Hàn Quốc, còn tên tuổi của Quỳ cũng vụt sáng với một bàn vào lưới Nga và cú đúp trước Hàn Quốc. "Đó là giải đấu đáng nhớ nhất của tôi. Chọc thủng lưới Nga - một đội bóng đến từ châu Âu - mang lại một cảm giác đặc biệt, rất khác lạ", Quỳ kể.
Sau U15 quốc tế, Quỳ được HLV Philippe Troussier, lúc đó đang phụ trách đào tạo trẻ cho Việt Nam, triệu tập vào đội U18 Việt Nam trong một đợt tập trung ngắn hạn, và được chiến lược gia người Pháp đánh giá cao. Giới chuyên môn đặt cho Quỳ biệt danh "Vua giải trẻ", dự đoán sẽ phát triển hơn nữa, trở thành trụ cột của SLNA cũng như chủ chốt của bóng đá Việt Nam trong 10 năm tới.
Trở về CLB, Quỳ tiếp tục "oanh tạc" trên nhiều mặt trận. Cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2021, khi 17 tuổi, Quỳ là trụ cột SLNA tham dự vòng chung kết U19 Quốc gia. Trong trận đấu thứ hai gặp PVF, sau một pha va chạm, Quỳ gặp chấn thương. Nghĩ chỉ bị nhẹ nên cố gắng đá tiếp, anh chạy được thêm vài phút thì quỵ xuống rồi xin thay người. Kết thúc giải này, SLNA đứng thứ ba - một thành tích không tệ, nhưng với Quỳ, đó là khởi đầu của chuỗi ngày bi kịch.
Trở về Nghệ An, Quỳ xin lãnh đạo CLB đi khám, nhưng không ai phản hồi. Giai đoạn này SLNA đang gặp biến động từ thượng tầng, khi Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh xin nghỉ, còn đội bóng chưa tìm được nhà tài trợ. Quỳ tự bỏ tiền đến bệnh viện quốc tế ở TP Vinh chụp cộng hưởng từ, được bác sĩ chẩn đoán bị đứt dây chằng chéo trước chân trái, cần mổ để điều trị dứt điểm.
Quỳ tiếp tục đề xuất lên lãnh đạo xin đi mổ, nhưng cũng không nhận được phản hồi tích cực. Anh sau đó về quê ở thị xã Thái Hòa dưỡng thương, tự điều trị trong hai tháng. Tháng 6 cùng năm, khi một tập đoàn kinh tế tiếp quản SLNA, Quỳ cùng một đồng nghiệp khác là Trần Văn Cường được CLB đưa ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mổ nối lại dây chằng.
Sau ca mổ ba ngày, Quỳ trở về nhà hai tuần, tiếp đó đề xuất CLB cho đi tập hồi phục chức năng tại một trung tâm ở Hà Nội với chi phí mỗi tháng 20 triệu đồng. Sau hai tháng, Quỳ đang trên đà tập hồi phục thì được SLNA gọi về tự tập tại CLB. Anh thường ra sân chạy bộ duy trì thể lực, đến phòng gym tập cơ. Giữa năm 2022, tròn một năm rời xa sân cỏ, Quỳ trở lại tập đối kháng cùng các đồng đội.
"Do nghỉ lâu, tôi mất hết cảm giác bóng, không dám chạy bức tốc hay rướn người. Đôi lúc thấy mình nhát bóng, sợ va chạm. Sự xông xáo ngày xưa mất hết, đầu gối kiểu như không còn chắc chắn", Quỳ cho hay. "Tôi chẳng hiểu nổi tại sao thể lực lại xuống dốc đến vậy, có thể do không được tập vật lý trị liệu sau mổ dây chằng, quá trình hồi phục chức năng cũng chưa bài bản vì thiếu người hướng dẫn".
Giữa lúc sự nghiệp đang gặp trắc trở, cuối năm 2022 gia đình Quỳ xảy ra biến cố lớn khi bố và bà ngoại lần lượt qua đời. Liên tiếp nhận hai cú sốc, Quỳ suy sụp và mất hết cảm xúc. Lúc này, anh trai học năm ba đại học, kinh tế khó khăn, mẹ phải chạy vạy làm nhiều việc để kiếm tiền chu cấp, Quỳ định nghỉ bóng đá để kiếm việc khác phụ gia đình. Tuy nhiên, tiếc thời gian ăn tập, anh tự nhủ cố gắng lần cuối để xem khả năng đến đâu.
Tháng 3, Quỳ là thành viên của SLNA tham dự vòng loại U19 quốc gia. Tuy nhiên anh luôn phải thi đấu với đầu gối băng bó, đóng góp hạn chế, thường phải rời sân sớm, còn đội nhà cũng không lọt vào vòng chung kết. Sau giải này, nhận thấy bản thân không còn nổi trội hơn so với đồng đội cùng trang lứa, Quỳ quyết định sẽ giải nghệ. Anh gửi đơn xin thanh lý hợp đồng lên lãnh đạo CLB và được chấp thuận hôm 31/8.
"Trước khi nghĩ đến quyết định giải nghệ, tôi nhiều đêm trằn trọc không thể ngủ. Bố là người mê bóng đá, nhưng đáng tiếc, tôi không thể tiếp tục thi đấu theo tâm nguyện của ông. Mẹ ban đầu khuyên cố gắng, nhưng sau khi hiểu tình trạng sức khỏe của tôi cũng cho tùy ý quyết định", Quỳ chia sẻ, và thêm rằng từng suy nghĩ chuyển đến một số đội bóng khác tìm vận may, nhưng do vướng quy định của SLNA, khi cầu thủ phải tuân thủ hợp đồng đào tạo trẻ đến hết 24 tuổi, nên không dám đề xuất lên lãnh đạo CLB.
Trần Đình Tiến, cựu cầu thủ SLNA, cảm thấy tiếc nuối khi Quỳ phải giải nghệ ở độ tuổi còn quá trẻ. "Cậu ấy trầm tính, hiền lành, kỹ năng đá bóng rất tốt. Thật đáng tiếc cho bóng đá xứ Nghệ cũng như Việt Nam", anh nói.
Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SLNA, cũng nhận xét rằng Quỳ là một tài năng nhưng không có duyên với bóng đá đỉnh cao. "Sau chấn thương Quỳ không thể tập luyện theo khối lượng lớn. Lúc Quỳ và gia đình có nguyện vọng xin thanh lý hợp đồng, lãnh đạo CLB rất trăn trở và đắn đo, nhưng vẫn phải tạo điều kiện để em ấy tìm hướng đi mới", ông Nghĩa cho hay.
Quỳ kể hôm từ SLNA trở về, họ hàng và làng xóm ai cũng buồn. Cựu cầu thủ 19 tuổi sẽ ở nhà một thời gian để lấy lại tinh thần, và dự định sẽ nộp đơn vào Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh học ngành huấn luyện viên thể thao, chuyên ngành bóng đá.