Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tập trung vào việc phát triển kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc nâng cấp mạng lưới giao thông và logistics. Điều này không chỉ thúc đẩy sự kết nối mà còn tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên bảo vệ mình khỏi những tác động của biến động địa chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khối ASEAN vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và xóa bỏ các rào cản hành chính, giấy tờ phức tạp.
"Trong ASEAN, chúng tôi đã đạt những tiến bộ nhất định," Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Anthony Loke, chia sẻ và nhấn mạnh rằng chính sách "bầu trời mở" của khối đã góp phần tăng cường kết nối giữa các quốc gia. Đối với vận tải hàng hải, ASEAN đang tiến hành số hóa các cảng để có thể chia sẻ thông tin hiệu quả hơn và nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Loke nhấn mạnh rằng việc giảm bớt các thủ tục hành chính sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực. "Giải pháp này không chỉ có lợi cho một quốc gia mà còn giúp toàn bộ khu vực phát triển", ông khẳng định.
Thái Lan cũng cho biết họ sẽ tham gia tích cực vào việc cải thiện kết nối trong khu vực. Cụ thể, quốc gia này đang mở rộng mạng lưới đường sắt đôi và thúc đẩy xây dựng một cây cầu nối biển Andaman với Vịnh Thái Lan tại miền Nam, dự kiến hoàn thành năm 2028. Dự án này sẽ tạo ra một tuyến thương mại quốc tế mới và giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông tại eo biển Malacca.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Thái Lan, ông Suriya Juangroongruangkit, cho biết dự án này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, đồng thời cung cấp một giải pháp thay thế cho các tuyến đường biển.
Tuy nhiên, chỉ riêng cơ sở hạ tầng là chưa đủ. Các chuyên gia trong ngành cho rằng một yếu tố quan trọng khác là khiến việc vận hành các tuyến giao thông trở nên liền mạch và tiết kiệm chi phí. "Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể làm cho hệ thống này trở nên dễ dàng và tiết kiệm hay không?" ông Ruben Emir Gnanalingam, Chủ tịch điều hành Westports, một trong những công ty khai thác cảng lớn nhất tại Malaysia, cho biết.
Các chuyên gia cho rằng các nước ASEAN cần hành động phối hợp để tận dụng tối đa lợi thế từ hội nhập kinh tế. "Dù các quốc gia thành viên ASEAN thống nhất và trung tâm là ASEAN, nhưng họ vẫn thường xuyên cạnh tranh với nhau về đầu tư và thương mại. Điều quan trọng là chúng ta phải phát huy được sức mạnh của nhau thay vì cạnh tranh," ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN, nhấn mạnh.
Thế Đan (theo CNA)