Ý kiến được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nói tại hội thảo hướng dẫn thu thập và cung cấp dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 tổ chức tại TP HCM, chiều 8/8. Hội thảo nhằm hướng dẫn cho đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam (từ Thừa Thiên - Huế trở vào) phương pháp khai thác chỉ số PII.
Theo Thứ trưởng Minh, PII được coi là công cụ giúp lãnh đạo các địa phương quản lý, thúc đẩy kinh tế xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ chỉ số này cung cấp công cụ, thước đo, bức tranh toàn cảnh thực trạng kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ các địa phương.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, PII được coi là bộ công cụ đầu tiên, duy nhất phản ánh chỉ số kinh tế tổng hợp dựa trên khoa học công nghệ, thể chế, hạ tầng, điều kiện sản xuất, vốn con người, tài chính vi mô, cho vay... PII được Chính phủ và các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Theo ông Minh, việc công bố PII hàng năm giúp các Sở khoa học và Công nghệ địa phương có nguồn dữ liệu thực trạng kinh tế xã hội địa phương làm cơ sở xây dựng các hội thảo, báo cáo tham vấn, đề xuất các giải pháp ngắn, dài hạn cho lãnh đạo trong phát triển kinh tế xã hội. "PII có vai trò tổng hợp kinh tế xã hội cho địa phương", ông nói.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá thông qua điểm số của PII sẽ giúp địa phương có căn cứ cải thiện điểm số. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, mỗi địa phương có định hướng phát triển khác nhau. Lấy ví dụ, các thành phố lớn có các điều kiện phát triển khoa học công nghệ như trường đại học, môi trường, nguồn ngân sách... Còn các địa phương khác, đặc biệt các tỉnh vùng sâu, vùng xa cần tập trung cải thiện các chỉ số phù hợp với định hướng phát triển, không nhất thiết cải thiện toàn bộ chỉ số.
Thứ trưởng Minh cam kết Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương trong tham mưu giúp chính quyền các tỉnh thành phê duyệt kế hoạch tổ chức triển khai PII. Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh ưu tiên nguồn lực xây dựng bộ chỉ số PII và sử dụng kế quả của nó vào công tác chỉ đạo, điều hành và đưa vào kế hoạch cải thiện hàng năm.
Ông Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học công nghệ, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho rằng PII khá toàn diện, với các chỉ số phản ánh đầy đủ khía cạnh về thể chế, hạ tầng, trình độ phát triển con người, kinh doanh, sản phẩm sáng tạo... Ông cho rằng, với bối cảnh mỗi địa phương, cần nhìn nhận và lựa chọn mô hình nào cho tăng trưởng, phát triển dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. "Mỗi trình độ phát triển khác nhau sẽ đưa lại những cách dựa chọn mô hình phát triển dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo khác nhau", ông Hưng nói, thêm rằng với 52 chỉ số của PII mỗi địa phương sẽ biết mình đang ở đâu, có điểm mạnh, yếu gì để có định hướng phù hợp.
Năm 2023, lần đầu tiên PII được Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trên toàn quốc. PII là bộ công cụ có cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, cũng như cung cấp thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương.
Ở lần xếp hạng đầu tiên, trong 10 địa phương dẫn đầu có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (xếp hạng 1), TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5) và 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất là Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9) và Thái Nguyên (hạng 10).
Hà An