Sau một năm gián đoạn các hoạt động do Covid, tôi vừa quyết định tập thể dục trở lại. Một phần để nâng cao sức khỏe, phần cũng bởi nhận được nhiều lời bình phẩm về ngoại hình. Người tế nhị nói gần xa "Hình như sau Tết có gì mới ?"; người vào thẳng vấn đề "Sao dạo này nhiều mỡ thế".
Với chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức 21, tôi tự thấy mình không tới nỗi quá khổ. Bản thân tôi cũng ít để ý tới ngoại hình của mọi người. Có lần đi họp, tôi nói chuyện vui vẻ với một bạn nữ mà không hề biết cô sắp sinh em bé. Làm việc gần một năm cùng một đồng nghiệp nhưng tôi không biết cô đã sửa mũi trong khi mọi người cho rằng "nhìn vào thấy ngay". Tôi thường chỉ tập trung vào những gì họ nói hơn là cơ thể họ, nên ít nhận ra sự thay đổi.
Hiện tượng bình phẩm ngoại hình hoặc nặng hơn là miệt thị ngoại hình (body shaming) thường được cho là phổ biến hơn ở Á Đông, nơi con người thiên về sống theo các tiêu chuẩn của tập thể và vì vậy, các yếu tố lệch chuẩn dễ bị chú ý hơn. Nhu cầu khoe ảnh trên mạng xã hội cùng làn sóng phim Hàn Quốc với nam thanh nữ tú không tì vết dường như càng góp phần tạo nên cơn sốt vẻ đẹp hoàn hảo. Phát triển các ứng dụng chụp ảnh trở thành một thị trường béo bở, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ - những nơi có lượng người sử dụng Internet đông đảo. Một ứng dụng "sống ảo" nổi tiếng hàng đầu vẫn đạt hơn 300 triệu lượt tải, bất chấp các cảnh báo gần đây về việc đánh cắp dữ liệu người dùng và phát tán mã độc.
Nhưng thực tế, miệt thị ngoại hình không phải vấn nạn của riêng một vùng miền, khu vực nào. Năm 2020, công ty phân tích dữ liệu YouGov phỏng vấn gần 10.000 người ở châu Âu về chủ đề này. Khoảng 36% số người được hỏi cho biết từng không dưới 10 lần là nạn nhân của miệt thị ngoại hình. Gần một nửa số người trưởng thành ở Anh phàn nàn họ khó chịu khi bị nhận xét về ngoại hình, có thể vì cân nặng, mái tóc hoặc thậm chí kích thước bàn chân. Ngay tại Italy, kinh đô thời trang của thế giới, 43% người tham gia phỏng vấn nói họ cảm thấy áp lực vì tiêu chuẩn cái đẹp của xã hội.
Ở Mỹ, câu chuyện miệt thị ngoại hình đang nóng hơn bao giờ hết sau cái tát hy hữu tại lễ trao giải Oscar sáng 28/3. Diễn viên Will Smith đã phản ứng mạnh tay ngay trên sân khấu với người dẫn chương trình Chris Rock sau khi vợ anh bị Chris biến thành đề tài gây cười bởi mái đầu trọc. Đây là màn đùa vô duyên nhất lịch sử Oscar vì mang tính miệt thị ngoại hình rõ rệt. Hành động của Will Smith đặt ra hàng loạt câu hỏi đáng giá cho giới showbiz và cả những người bình thường: khi bị bắt nạt, phản ứng của một người nổi tiếng tại một sự kiện công cộng thế nào là "phải đạo", và liệu "vả vào mồm" có thể được chấp nhận như một giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề miệt thị?
Trong thực tế, đa số nạn nhân của miệt thị ngoại hình chọn cách im lặng hoặc cười gượng để tránh làm mất lòng người bình phẩm về ngoại hình của họ. Bởi, trớ trêu thay, những lời bông đùa, bình phẩm thường tới từ những người quen thân như bạn bè, đồng nghiệp. Người trưởng thành có thể dễ dàng bỏ qua với lời biện hộ đó là một thói quen không cố ý hoặc là những nhận xét mang tính xã giao. Tuy nhiên, với những người trẻ tuổi, miệt thị ngoại hình có thể làm tổn thương sâu sắc tới khả năng giao tiếp xã hội, hủy hoại sự tự tin và thậm chí mạng sống của họ.
Tôi cũng nhiều lần tự vấn và giật mình khi từng vô tình bày tỏ thái độ trước một vấn đề mang tính tương đối riêng tư của người đối diện. Cho nên, với tôi, quả là uổng phí nếu vụ việc ở giải Oscar danh giá chỉ được quan tâm như một dạng "drama" của giới showbiz. Tôi đọc được một ranh giới rất rõ ràng giữa việc giễu nhại lành mạnh và lấy người khác ra tiêu khiển.
Một ngày nào đó, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của sự bỡn cợt gây tổn thương. Nó có thể không chỉ dừng lại ở ngoại hình mà còn động chạm tới những vấn đề tế nhị và to lớn như sự khác biệt văn hóa, hạnh phúc cá nhân và phẩm giá.
Bạo lực không bao giờ là giải pháp cho các vấn đề. Nhưng mặt khác, chặn đứng các dạng thức tấn công cá nhân khi chúng còn ở mầm mống hoặc núp bóng "một trò đùa", là điều nên làm.
Cẩm Hà