![]() |
Hàng Đào - Phố nghề sôi động là một phần đặc trưng phố cổ Hà Nội, điều mà các nhà nghiên cứu cố gắng bảo vệ trong hoạt động bảo tồn đô thị. |
Khu phố cổ Hà Nội rộng khoảng 200 ha, nằm ở phía bắc hồ Gươm, phía đông là sông Hồng và phía tây là Cố cung. Đó không phải là khu di tích biệt lập mà là nơi hội tụ nhà ở, cửa hàng, các khu buôn bán nhỏ..., được phân bổ theo ngành nghề thủ công. Hiện dãy phố này tồn tại rất nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải về mật độ cư dân kéo theo nhu cầu nhà ở và việc làm. Những yếu tố này đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư và kiến trúc đô thị.
Tuy nhiên, người dân cũng như các nhà kiến trúc lo ngại việc cải tạo, bảo tồn khu vực này sẽ phá vỡ không gian đô thị cổ. Nhiều cư dân tại đây cho biết, họ chấp nhận sống trong không gian chật hẹp nếu giữ được phần hồn của phố cổ, chỉ cần sạch sẽ, an toàn hơn. Chị Hạnh ở Hàng Buồm, tâm sự: "Có nhiều nơi cần tu sửa, nhưng tôi sợ là khu này sẽ trở nên mới mẻ sau khi được cải tạo. Giống như Tháp Rùa, không còn vẻ cổ kính mà người ta ca ngợi nữa".
Tại hội thảo, GS Arnold Koerte (Trường ĐH Kỹ thuật Darmstadt, Đức) lưu ý, những khu nhà đổ nát cần được nâng cấp, nhưng phải để người dân tự xây dựng một cách tự nhiên theo nét đặc trưng vốn có, chứ không nên áp dụng bất cứ nguyên tắc nào. Về điểm này, có thể lấy khu phố Tàu ở Singapore làm bài học. Trước khi được bảo tồn, những ngôi nhà ở đây chứa hàng thủ công nhỏ ở tầng trệt, dân cư sống phía trên. Không gian bị nén lại giữa những sinh hoạt thường nhật và các hoạt động giao thương. Nhưng sau khi "được xây lại", thì chính những người từng gắn bó với nơi này lại không muốn quay về vì sự thay đổi không còn phù hợp với nhu cầu sống của họ. Ông Koerte cho rằng hiện tại, chính phủ Việt Nam đã rất đúng đắn khi để cho việc mua bán ở các dãy phố cổ diễn ra tự nhiên, chưa có sự can thiệp quá nhiều.
Ở một khía cạnh khác, Cục trưởng Cục Bảo tồn - bảo tàng Đặng Văn Bài khẳng định, tiêu chí quan trọng nhất khi bàn về bảo tồn phố cổ là cơ cấu không gian đô thị. Ông cũng đồng ý không tách rời việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị cổ Hà Nội với việc giải quyết nhu cầu dân sinh tại đây. Thứ đến, công tác bảo tồn phải xem xét di sản kiến trúc đô thị Hà Nội dưới dạng từng công trình đơn lẻ. Ngoài ra, còn phải gìn giữ các yếu tố văn hóa phi vật thể như phố nghề, lối sống... "Đã có không ít hội thảo bàn về bảo tồn phố cổ, song, chưa có dự án nào khả thi được các cấp thẩm quyền phê duyệt và đầu tư. Vì vậy, những gì cần làm nhất thiết phải thỏa mãn được nhu cầu và lợi ích của chính các tầng lớp cư dân đang sống trong khu này", Cục trưởng xác định.
Trước những bức xúc đó, các chuyên gia đặt nhiều mong đợi và cũng không ít băn khoăn vào đề án quy hoạch khu phố cổ, sẽ triển khai vào trung tuần tháng 12.
Mai Hương
Ảnh: Xuân Thu