Cảm xúc cuồng nhiệt ban đầu không kéo dài quá một năm. |
Kiến thức lớn nhất về ái tình mà hai bộ môn này cung cấp là: Những cơ chế tạo nên sự hình thành và phát triển của tình yêu không hề đơn giản, mà đã đạt đến độ phức tạp khủng khiếp. Cơ chế đó chính là trung tâm não bộ. Đây là bộ phận sinh lý quan trọng nhất của cơ thể, chi phối mọi cảm xúc của con người. Não bộ điều khiển các hoóc môn và nơron, khiến chúng cất lên tiếng vĩ cầm đầu tiên của bản nhạc tình ái, đồng thời quyết định giai điệu, tần số và độ ngân dài ngắn (trường độ) của nó.
Sau đây là các giai đoạn phát triển của tình yêu:
1. Khởi thủy
Bụng thót lại, trái tim đập thình thình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, lý trí biến mất. Thế là một lần nữa, mũi tên của thần ái tình Amor đã phóng trúng đích. Cảm giác nôn nao như bị " bùa ngải" này trước hết liên quan đến các nơron truyền tín hiệu. Chúng mang các phân tử hóa học, kích thích các tế bào ở trung tâm não bộ. Còn các hoóc môn cũng đóng vai trò quan trọng không kém khi khuếch đại những kích thích này.
2. Chén rượu tình
Dù thanh niên hay người già, khi đã đặt môi vào chén rượu tình, ai cũng có cảm giác choáng váng bồng bềnh. Tất nhiên, sự "sa ngã" này chẳng có gì là tồi tệ. Miêu tả cảm giác này, đại thi hào Goethe của Đức viết:
Hôm nay tất cả đều kỳ lạ với tôi, ước gì cứ mãi như thế
Bởi tôi đã thấy tình yêu trong đôi mắt thủy tinh của nàng...
Cái cảm giác khiến Goethe "nhìn đời qua cặp kính màu hồng" thực chất có liên quan mật thiết đến những "phân tử tình yêu" sau đây:
- Adrenalin:
Adrenalin là một hoóc môn gây cảm xúc mạnh nhất. Trong trường hợp người bị stress, hoóc môn này được giải phóng ra khỏi thận, thấm vào máu, đặt cơ thể vào tình trạng báo động tức thời. Huyết áp dâng cao, tim đập nhanh hơn và bàn tay thì ướt đẫm mồ hôi. Đối với những người đang yêu, adrenalin tạo ra trạng thái nôn nao, đôi khi khá căng thẳng. Chỉ cần một cái nhìn sâu của người yêu, hay sự hồi hộp trước buổi hẹn đã khiến cơ thể giải phóng một lượng adrenalin lớn, đưa người vào trạng thái nóng lạnh như sốt. Hệ quả là: Toàn bộ tâm trí chỉ hướng tới người mình yêu, và cả nhân loại trở nên vô nghĩa.
Cũng may là trạng thái này thường kéo dài không lâu, bởi nó ngốn nhiều năng lượng khủng khiếp và không một cơ thể sinh học nào có thể chịu đựng được nó trong một thời gian dài. Tuy nhiên, những đợt sóng adrenalin nhẹ nhàng và thường xuyên lại có tác dụng rất tốt. Chúng giúp cơ thể có khả năng đề kháng. Bởi vậy, xét về mặt sinh học, mỗi một lần yêu mới là một lần thử thách với cơ thể, khiến nó cứng cáp hơn.
- Dopamin:
Hoóc môn này tác động trực tiếp tới trung tâm nhận phần thưởng trong não bộ, đem lại niềm vui, cảm giác sung sướng và thỏa mãn. Khi tình yêu tiến triển, hoóc môn này càng gia tăng và gây tác động không nhỏ tới cơ thể khiến người ăn uống không thấy ngon hoặc ngủ ít đi. Đây chính là trạng thái "ốm dở chết dở" khá phổ biến mà các thi sĩ thường gọi là tương tư.
- Noradrenalin:
Nơron truyền tín hiệu này tụ hợp năng lượng ái tình, khiến cơ thể nóng lên. Đôi khi, noradrenalin làm người ta không thể kìm giữ được cảm xúc của mình. Hơn thế, nó còn tác động đến thùy hypothalamus, làm tiết ra các hoóc môn kích dục, khiến người ta có hứng làm tình.
3. Khi các hoóc môn "nguội" dần
Tất cả những kẻ đang yêu đều cầu mong rằng, cái cảm giác choáng váng bồng bềnh đừng bao giờ biến mất. Đáng tiếc, điều này lại trái với nền tảng của bộ môn hóa sinh. Nhiều nhất là một năm, mà thường là sớm hơn, não bộ sẽ tự động "giải thoát" ra khỏi trạng thái bồng bềnh do các "hoóc môn tình yêu" gây ra. Điều này xảy ra là do trung tâm nhận phần thưởng trong não bộ đã quen dần với dopamin, khiến nó chẳng còn có cảm xúc gì nữa. Lúc ấy, những gì là "cuồng nhiệt" ban đầu đều biến mất. Đây là điều không thể tránh khỏi, vì nó nằm ngoài ý muốn và tầm kiểm soát của con người - một cấu trúc hữu cơ bị chi phối khắt khe bởi các quy luật hóa học và sinh học. Có lẽ chỉ có một tình yêu mới mới đem lại cảm giác ban đầu mà thôi!
4. Tình yêu lớn
Ai vượt qua được giai đoạn sóng gió của những cảm xúc mới yêu sẽ đạt được một điều quý giá khác (tuy không dữ dội), đó là hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng. Một trong những hoóc môn giúp người ta duy trì hạnh phúc này là endorphine. Nó có tác dụng như một thứ ma túy nhè nhẹ, đưa đến cảm giác dễ chịu, giúp con người thoát khỏi nỗi sợ hãi về những điều bất ổn của cuộc sống, và trong một số trường hợp nhất định, thậm chí nó còn đem lại những khoái cảm kỳ lạ. Đó chính là khởi điểm của một tình yêu lớn.
Nhà nhân chủng học Mỹ Helen Fisher cho rằng những quan tâm dịu dàng và sự chia sẻ với bạn đời góp phần kích thích hoóc môn endorphine. Ai đã yêu, ắt hiểu thế nào là nhớ, và theo Fisher, cảm giác này có quan hệ trực tiếp tới endorphine. Những người từng cai nghiện thuốc lá hoặc ma túy hiểu cảm giác này hơn cả: Hoóc môn cứ tiết ra, khiến người ta có cảm giác thèm khát ghê gớm. Việc "nghiện" ái ân cũng có thể hiểu như vậy, và khi điều ấy không được thỏa mãn thì hậu quả tất yếu sẽ là sự trầm cảm và đau khổ.
Nhưng đến đây, các nhà khoa học đã chạm vào một câu hỏi thuộc phạm trù đạo đức: Vậy thì các cặp vợ chồng sống với nhau chẳng qua vì họ sợ chia tay sẽ không thể chịu nổi cái cảm giác thiếu thốn, y như một con nghiện khi phải tách rời khỏi ma túy hay sao? Tất nhiên, các nhà khoa học không dừng lại ở đây, bởi nếu như vậy, họ có thể nói gì về lòng chung thủy mà rõ ràng là có hiện hữu?
Nền tảng hóa sinh của lòng chung thủy ở con người
Khác với đa số loài động vật mà con đực và con cái chỉ cặp nhau để giao phối, hoặc cùng lắm là chung sống với nhau một thời gian nhất định sau khi con non ra đời, con người thường sống với nhau lâu dài trong mối quan hệ vợ chồng. Điều này không chỉ có nguồn gốc từ nỗi sợ hãi việc phải xa rời những khoái cảm của hoóc môn endorphine như một thứ ma túy, mà họ cảm thấy dễ chịu thực sự khi sống chung với nhau. Tất nhiên, ngay trong trường hợp ấy, con người cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của các hoóc môn. Hai nhà sinh học Mỹ Sue Carter và Thomas Insel đã nghiên cứu "hiện tượng" chung thủy trên nền tảng hóa sinh và đã rút ra một số kết luận như sau:
Ở chuột
Carter và Insel đã quan sát giống chuột núi và giống chuột sống trên đồng cỏ ở Mỹ. Bề ngoài chúng giống hệt nhau. Chuột núi thường xuyên thay đổi bạn tình, thậm chí con đực chỉ giao phối một lần với một con cái nào đó. Chuột đồng lại khác hẳn: Chúng sống cả đời bên nhau. Theo Thomas Insel, điều này có lẽ liên quan đến hoóc môn oxytocin và vasopressin. Nồng độ của hai hoóc môn này trong máu chuột đồng nhiều hơn hẳn chuột núi.
Bằng kỹ thuật chuyển gene, các nhà khoa học đã tạo ra giống chuột núi có nhiều hoóc môn oxytocin và vasopressin hơn. Kết quả, chúng tỏ ra chung thủy hơn hẳn và sẵn sàng "chiến đấu" khi có kẻ khác đến gạ gẫm bạn tình. Rõ ràng, chung thủy là một đặc tính được quyết định bởi gene.
... và ở người
Người cũng có hai loại "hoóc môn chung thủy" như ở chuột đồng. Tuy nhiên, liệu chúng có tác dụng như ở chuột hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Đến nay người ta mới chỉ biết rất ít về chúng:
Sau mỗi lần đạt cực khoái, lượng hoóc môn oxytocin trong máu tăng mạnh. Trong một thực nghiệm, các nhà khoa học đã dùng cách hãm oxytocin của những người đàn ông. Kết quả, họ vẫn có khoái cảm như thường khi quan hệ tình dục, nhưng cảm giác dễ chịu và thư giãn thì mất hẳn. Rõ ràng, oxytocin giúp con người có những cảm giác dễ chịu lâu dài trong quan hệ vợ chồng, làm nền tảng cho lòng chung thủy, khiến người ta không chán nhau, dù cảm giác ngất ngây của tình yêu ban đầu đã nguội lạnh.
Nhưng nếu ai nuôi hy vọng dùng cách nào đấy (ví dụ như kích thích gene) để làm tăng nồng độ oxytocin trong máu, mong giữ được tình chung với bạn đời, người ấy đã mắc một sai lầm cơ bản. Bởi lẽ, khác với chuột đồng, con người không phải là những tên nô lệ ngoan ngoãn của các định luật hóa học và sinh học, mà ở những khoảnh khắc nhất định (mặc kệ hoóc môn!), họ còn biết rung lên sợi tơ lòng:
Hôm nay tất cả đều kỳ lạ với tôi, ước gì cứ mãi như thế
Bởi tôi đã thấy tình yêu trong đôi mắt thủy tinh của nàng
(J.W. Goethe)
Minh Hy (theo Surfmed)