Tôi sinh sống tại khu Tây balô, quận 1 (TP HCM) và tôi không làm nghề du lịch.
Nhưng vì sống ở khu đông khách du lịch, tôi thích họ và tôi hay "ngứa mắt" những chuyện trái khoáy trước mặt mình. Đó là sự ăn chặn khách tây ngoài đường, cái nhìn gian xảo của người bán hàng khi thấy họ.
Ác hơn nữa là chuyện an ninh cho du khách. Đã từng nổi tiếng câu chuyện một cặp thanh niên Hong Kong mất hết giấy tờ, nên bán post card để về nước, xem ra còn lãng mạn nên được khá đông người ủng hộ.
Nhưng cái chuyện mấy cô du khách châu Á nhỏ nhắn, dáng hiền lành quen kiểu tay túi xách, tay máy ảnh hồn nhiên bị giựt đồ hàng ngày, hay cả anh Tây to cao mà còn bị xe máy cướp đẩy té suýt chết thì ai lo?
Tôi là người Sài Gòn ở phố Tây, nhưng nhiều khi có ai hỏi “đến đây mua hàng lưu niệm gì?” tôi cũng chẳng biết phải giới thiệu ra sao. Tôi sợ giới thiệu xong rồi lỡ họ bị người bán“chém” thì mình còn xót hơn nữa.
Lâu lâu tôi nghĩ giá mà các cơ quan chức năng xuống tận nơi đây, vi hành làm phục vụ nhà hàng, hay sang hơn là làm tour một thời gian, có thể sẽ nắm thực tế hơn.
Lúc tôi còn con nít, khu Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão chỉ có dăm ba ông bà Tây mắt xanh, tóc vàng, hay cười và thích chụp hình đám con nít Việt Nam. Họ hay tải những ba-lô như bao gạo nên bị "chết tên" là Tây balô, vì những du khách này đi theo dạng tự túc.
Như mấy đứa nhỏ khác, tôi cũng gọi họ là “ông Tây, bà Tây”. Lúc bấy giờ, dịch vụ còn hiếm (khoảng năm 97 - 98) nên ngoại trừ việc họ dí mũi vào mấy quyển sách du lịch be bé, dày cui rồi đi lòng vòng Sài Gòn, ở cả khu này cũng ít có gì phục vụ ăn chơi nghỉ dưỡng.
Lúc tôi nói được tiếng Anh, biết chỉ dẫn, giúp khách du lịch qua đường thì cũng là lúc mọi thứ thay đổi. Cái khách sạn màu vàng New World được ra đời, kéo theo nó là cả một rừng khách sạn 4-5 tầng san sát.
Quán ăn, nhà nghỉ, tiệm sách, công ty lữ hành mọc ra như cỏ mùa mưa. Ngay cả các anh, chú xích-lô cũng lên đời ngoại ngữ. Cả khu vực trở thành một "đại công trường" du lịch ba lô.
Khách thuộc các quốc tịch mới cũng nhiều hơn, có cả Hàn, Nhật, Trung Quốc... Mấy ông Mễ (Mexico) cũng có mặt, và cả mấy bác Ả-rập, Ấn Độ xà rông khăn đóng, râu ria rậm rạp cũng lai rai đến…Sau là mấy bác từ châu Phi sang có làm náo động trật tự một thời gian. Cả con đường bé xíu giờ na ná một khu Liên Hiệp Quốc thu nhỏ.
Nhưng đó là chuyện xưa, cái thời người dân còn hiền lành, thấy “Tây”, dù da màu gì họ cũng lo lắng hết mình. Còn từ khi (có thể trước đó nữa) Việt Nam nhận ra mình cần phải chi bao nhiêu triệu USD để làm video clip thu hút khách du lịch, thì có lẽ cũng là lúc thời cuộc thay đổi, nạn bắt chẹt khách du lịch đã thành cơm bữa .
Cái clip triệu bạc kia cũng chỉ là cái tiếng mời chào, còn việc khách có ở lại hay không, có chi xài ở đây hay không, và quan trọng hơn là họ mang hình ảnh gì về từ Việt Nam lại là chuyện khác.
Chuyện này cái clip vài triệu đôla kia có đề cập đến không?
Người Việt mình hay nói "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Cái tô vẽ bề ngoài, cái hình thức tuy không thể thiếu, nhưng không phải là tiên quyết. Hãy làm sao cho môi trường du lịch trở nên thân thiện, hiếu khách, đó là điều quan trọng nhất.
Hồ Công Thành
Chia sẻ bài viết về của bạn về phát triển du lịch Việt Nam tại đây.