Biết mấy anh bạn da trắng vốn kỵ thịt chó, tôi bảo họ rằng đấy là những quán bán “thịt nai”! Mãi sau thì họ khám phá ra được và phì cười bảo rằng những con nai của tôi là… “nai biết sủa” (barking deer).
Một lần khác xem một cuốn phim ngắn của Việt Nam trong một kỳ đại hội phim ảnh quốc tế ở Singapore, kể lại chuyện một cặp vợ chồng mở một quán thịt chó với những hình ảnh không mấy đẹp của những chú chó vô tội bị xả thịt, lột da, chất đống và nướng ngay trên mặt đường. Chưa hết phim mà hầu hết khán giả người da trắng đều đứng dậy bỏ ra về.
Với người Tây phương thì việc ăn thịt chó là một điều kinh tởm và là dấu hiệu của một quốc gia chậm tiến, man rợ. Do đó, để giữ thể diện quốc gia, trước Thế Vận Hội 2008 tại Bắc Kinh, nhà nước Trung Quốc đã buộc 112 nhà hàng bảo trợ phải dẹp món thịt cầy trong thực đơn để tránh làm cho du khách nước ngoài kinh hoàng mà có ác cảm với dân Trung Quốc. Sau đó thì một đạo luật được dự thảo vào đầu năm 2010 nhằm cấm ăn thịt chó với mức phạt tù 15 ngày cho những người vi phạm.
Tại hai vùng nói tiếng Hoa là Hong Kong và Đài Loan thì đã có những thay đổi sớm hơn. Dưới thời cai quản của Anh quốc, Hong Kong đã ban hành một đạo luật cấm làm thịt chó mèo từ năm 1950. Năm 1980, một người Hong Kong bị xử phạt một tháng tù và 2.000 đô HK về tội săn lùng chó hoang để làm thịt. Ở Đài Loan thì dưới áp lực của các hội bảo vệ súc vật địa phương cũng như để giữ hình ảnh đẹp với thế giới, chính quyền đã ban hành một đạo luật cấm bán thịt chó từ năm 2001 với mức phạt gần 8 nghìn USD nếu vi phạm.
Tại những nước khác trong vùng thì Indonesia là xứ Hồi giáo xem thịt chó cũng như thịt heo là những món ăn không tinh khiết nên những chú khuyển ở xứ này được sống thọ. Thái Lan vốn là một quốc gia Phật giáo không có truyền thống ăn thịt chó và dân Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines cũng không thích nhậu thịt cầy. Nam Triều Tiên lại là một xứ có truyền thống này nhưng từ năm 1984 thì một đạo luật được ban hành cấm bán thịt chó tại thủ đô Seoul, tuy nhiên luật này dường như chỉ được áp dụng chặt chẽ trong khoảng thời gian Thế Vận Hội 1988 tại Seoul.
Tại các nước phương Tây thì chó luôn được xem là người bạn tốt nhất của con người nên việc giết thịt bị xem là phạm luật và dưới mắt người dân là một hành động dã man không thể tha thứ được. Riêng ở Bắc Mỹ có lẽ chỉ có Canada là xứ cho phép bán thịt chó, với điều kiện là việc xả thịt chú khuyển phải có sự hiện diện của kiểm tra viên nhà nước, nếu không thì người phạm tội sẽ bị phạt đến 5 năm tù.
Trên trang web của các tổ chức bảo vệ súc vật trên thế giới thời gian gần đây tôi thấy Việt Nam là nước bị nhắc đến nhiều nhất với con số thật khó tin: năm triệu chú chó bị xả thịt mỗi năm hay 13 ngàn chú chó vong mạng mỗi ngày. Nước ta từ lâu đã là điểm đến của những con chó bị buôn bán từ các nước xung quanh. Tuy việc nhập lậu chó vào Việt Nam bị xem là bất hợp pháp từ năm 2009 nhưng vì nguồn lực hạn chế nên vẫn còn tình trạng Thái Lan, Campuchia và Lào cung cấp chó cho Việt Nam. Việc buôn bán này vi phạm các biện pháp quốc gia phòng chống dịch bệnh động vật và trái với kiến nghị toàn cầu về việc kiểm soát và tiệt trừ bệnh dại.
Chúng ta rất hãnh diện khi Việt Nam được thế giới khen ngợi về một số lĩnh vực, thế nhưng có một số điều nhạy cảm trong đó có việc ăn thịt chó, khiến Việt Nam đã mất đi ít nhiều thiện cảm dưới con mắt của người nước ngoài. Đứng đầu bảng những nước ăn thịt chó quả là điều không hãnh diện chút nào, nếu không nói là xấu hổ.
Ngày trước có những thứ như tục đốt pháo vào dịp Tết hoặc việc đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, tưởng chừng không thể thay đổi được thế nhưng mọi việc đã được đưa vào khuôn khổ thì nên chăng đến lúc cần nhìn lại cái "nhất" đáng buồn này. Đầu tháng 4, các tổ chức bảo vệ súc vật quốc tế đã phát động chiến dịch toàn cầu “Nói không với thịt chó”, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tham gia ủng hộ chiến dịch này.
Võ Tá Hân