Thứ năm, 23/5/2024
Thứ hai, 10/11/2014, 14:30 (GMT+7)

Cai nghiện trên đảo giữa lòng hồ Thác Bà

Trên khu đảo cây cối um tùm giữa bốn bề mặt nước, hàng trăm người nghiện ma túy chăm chú lao động và rèn luyện để tìm đường thoát khỏi chất trắng.

Trong lòng hồ thủy điện Thác Bà của tỉnh Yên Bái có một trung tâm cai nghiện đặc biệt tồn tại hơn hai thập kỷ nay. Nằm tách biệt với đất liền, cách duy nhất để tới đây là đi bằng thuyền qua mặt hồ rộng lớn.

Trung tâm cai nghiện trên đảo hồ Thác Bà được thành lập năm 1992, nay có tên là Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái. Hơn 500 học viên đang nỗ lực từ bỏ ma túy, mong muốn tìm lại cuộc sống của chính mình.

Tất cả học viên đến trung tâm được khám sàng lọc, xác định tình trạng nghiện trước khi bước vào giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc. Họ sẽ được dùng thuốc cắt cơn thèm ma túy trong khoảng 15 ngày.

Nhờ có sự trợ giúp của các nhân viên y tế, người nghiện đều vượt qua giai đoạn cắt cơn, giải độc khá nhẹ nhàng, cơ thể nhanh chóng không còn lệ thuộc vào ma túy. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khó khăn đầu tiên trong cả một quá trình cai nghiện kéo dài nhiều tháng.

Sau giai đoạn điều trị cắt cơn, người nghiện được vào các khu ở tập trung có nề nếp, kỷ luật như trong quân đội. Họ phải trải qua giai đoạn hồi phục sức khỏe, điều trị tâm lý, đặc biệt là được sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, kết hợp rèn luyện lao động nghiêm túc trong nhiều tháng mới có thể hy vọng từ bỏ hoàn toàn ma túy.

Một ngày ở trung tâm bắt đầu từ khoảng 6h sáng. Người nghiện, lúc này đã là những học viên của trung tâm, thức dậy tập thể dục, ăn sáng, trước khi phân thành các nhóm đi lao động. 8h sáng, một nhóm học viên lên thuyền đi cắt cỏ trên các đảo trong hồ. 

Trung tâm duy trì mô hình tự quản, một số học viên gương mẫu được phân công vừa hỗ trợ, vừa giám sát các học viên còn lại, bên cạnh sự có mặt liên tục của cán bộ trung tâm.

Cỏ được lấy về cho nhóm học viên phụ trách chăm sóc đàn gia súc gồm hàng chục con bò, dê và lợn trong khu chuồng trại của trung tâm.

Đàn dê trong trại đã lên tới gần 40 con. Số gia súc, gia cầm chăn nuôi đủ cung cấp khoảng 20% nhu cầu thịt cho hơn 600 cán bộ và học viên của trung tâm.

Ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, trung tâm còn có 8.000 m2 đất trồng rau xanh, tạo công việc cho học viên, cung cấp 100% nhu cầu rau sạch. Nhiều lớp học nghề như xây dựng, mộc, mây tre đan... cũng được thành lập để giúp học viên khi trở về dễ dàng hòa nhập cộng đồng.

Tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài tạo nên lợi thế đặc biệt. Bốn bề mặt nước chính là bức tường thân thiện vừa ngăn học viên bỏ trốn, vừa tránh hiện tượng thẩm thấu ma túy từ bên ngoài vào trung tâm.

Ngoài giờ học tập và lao động, học viên có khoảng thời gian cuối ngày dành cho hoạt động thể thao, thư giãn. Dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ trung tâm, sự hoạt động hiệu quả của đội tự quản, các học viên tạo được môi trường sinh hoạt chung nề nếp, tình cảm, nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau. Từ đầu năm 2014 tới nay, trung tâm có 11 vụ học viên bỏ trốn trên tổng số khoảng 600 học viên - một tỷ lệ khá thấp so với các trung tâm cai nghiện khác. Các vụ việc mất an ninh trật tự hầu như không xảy ra.

Một học viên khi còn ở gia đình đã tự chặt cụt ngón tay để quyết tâm từ bỏ ma túy, nhưng cũng đã vào trung tâm cai nghiện đến lần thứ 2. Các học viên rời trung tâm khi đã hoàn toàn không còn lệ thuộc ma túy, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ tái nghiện khá cao. "Ngoài mang lại cơ hội đoạn tuyệt ma túy, giá trị mà nơi này mang lại có lẽ nên được ghi nhận chủ yếu ở chính quãng thời gian người nghiện sống tích cực với chi phí chỉ 900 nghìn đồng/tháng, thay vì để họ ở bên ngoài mỗi ngày tiêu thụ tới vài trăm nghìn đồng tiền ma túy và gây nhức nhối an ninh trật tự cho xã hội", giám đốc trung tâm Lê Công Huấn chia sẻ.

Quý Đoàn