Đầu tuần này, Wall Street Journal đưa tin Daily Mail and General Trust - công ty mẹ của tờ Daily Mail - đang đàm phán với một số đối tác về khả năng mua lại Yahoo.
Theo Telegraph, nếu tiêu đề bài báo "Yahoo bán mình cho báo lá cải" xuất hiện năm 2000, mọi người sẽ chỉ cười mỉm và chắc chắn đây chỉ là trò đùa ngày Cá tháng Tư.
Yahoo từng là ông hoàng trong lĩnh vực Internet với gần 1 tỷ người dùng. Tuy nhiên, họ dần bị lãng quên khi các tên tuổi khác vươn lên mạnh mẽ trên Internet, có thể kể đến Amazon, Google và Facebook. Kết quả là họ buộc phải chào bán các mảng kinh doanh cốt lõi. Hạn chót nộp hồ sơ mà Yahoo đưa ra là 18/4 và Daily Mail đang có ý định mua lại toàn bộ mảng web của công ty này.
Yahoo là một trong những siêu sao đầu tiên của kỷ nguyên Internet. Ra đời từ năm 1995, nó đóng vai trò như một cổng thông tin tổng hợp từ tìm kiếm, thư điện tử, blog cho đến game, lưu trữ... Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2000, giá trị thị trường của Yahoo lên tới 128 tỷ USD, gấp đôi so với Walt Disney - con số đáng nể với một công ty mới thành lập được 5 năm trên mạng.
Còn hiện nay, vốn hóa của Yahoo chỉ còn 33 tỷ USD, nhưng phần lớn (30 tỷ USD) là giá trị cổ phần của họ tại hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, cho thấy mảng kinh doanh Internet gần như không còn giá trị. Dù nữ tướng tài năng Marissa Mayer đã nỗ lực sáp nhập, cải tổ suốt những năm qua, Yahoo vẫn tiếp tục trượt dài.
Thực tế, định mệnh đã an bài khi Google xuất hiện với giải pháp đơn giản và hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ người dùng tìm kiếm thông tin trên web. Kể từ đó, Amazon thống lĩnh thương mại điện tử. Google làm mưa làm gió và có ảnh hưởng lớn đến xuất bản, truyền thông. Facebook nắm trong tay một lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng.
Bài học của Yahoo là không quan trọng bạn lớn mạnh và quyền lực đến đâu, rồi sẽ có lúc mọi thứ bắt đầu đi xuống, giống như chuyện đã xảy ra với Motorola, Nokia, General Motors, Kodak, Xerox và hàng loạt hãng từng ngự trên đỉnh cao thế giới khác.
Apple, cái tên "hot" trong làng công nghệ, được dự báo sẽ dần đi xuống cùng iPhone. Alphabet, công ty mẹ của Google, đang phải đổ những khoản tiền lớn cho R&D nhằm phát triển nhiều sản phẩm mới, nhưng nguồn thu lớn nhất của họ vẫn chỉ đến từ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Facebook phụ thuộc vào thông tin mà 1,6 tỷ thành viên chia sẻ lên mạng xã hội mỗi ngày. Một ngày nào đó, các thành viên ấy cảm thấy chán chia sẻ còn giới trẻ phát hiện ra một nền tảng mới sôi động hơn, Facebook hẳn sẽ gặp rắc rối.
Yahoo đã không thể tận dụng lợi thế về lượng người dùng khổng lồ và chuyển chúng thành doanh thu quảng cáo. Giới công nghệ đang chờ đợi xem số phận của họ sẽ được định đoạt như thế nào trong vài tuần tới.