Thứ nhất, chúng ta hãy chú ý đến trường hợp của Trung Quốc. Từ 30 năm qua, Trung Quốc đã dùng dân số đông để chào mời các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào xứ họ. Trung Quốc đã thành công lớn trong ý đồ này, vì ai chẳng muốn có trong tay một thị trường trên một tỷ người tiêu thụ cùng vài trăm triệu bàn tay lao động chăm chỉ song giá lại rẻ mạt trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Không những thế Trung Quốc đã lợi dụng tình huống thuận lợi để đánh thuế rất nặng những doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt, đánh thuế luôn những nhân viên là người nước ngoài làm việc rải rác tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu. Nhưng ngày nay, rất nhiều người đã thấu hiểu thực tế. Thị trường Trung Quốc không phải một tỷ người mà chỉ xấp xỉ 200 triệu người có sức mua thực sự. Vài trăm triệu lao động rẻ mạt và chăm chỉ nay cũng không còn vì thị trường lao động không còn sức cạnh tranh nữa.
Do đó, Hiệp định TPP với 12 quốc gia thành viên được xem như là một cánh cửa mới đầy đủ tiềm năng để thay thế Trung Quốc khi tạo ra một sự lựa chọn mới lành mạnh hơn, đa dạng hơn với 40% tổng sản lượng thế giới. Thị trường do Hiệp định TPP mở ra sẽ có tác dụng làm khan thị trường Trung Quốc, tạo ra sức ép mới cho quốc gia này. Rồi đây, ước đoán Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa phương án phấn đấu với thị trường TPP mà mình không là thành viên, hoặc sẽ phải tự nhủ đi tới chấp thuận những điều kiện để cuối cùng gia nhập khối TPP sau này. Chẳng sớm thì muộn Trung Quốc sẽ muốn lựa chọn giải pháp gia nhập. Từ đây đến lúc đó còn dài, nhưng ngay bây giờ thế cờ đã thay đổi.
Thứ hai là vai trò của Ấn Độ. Nước này không có chút liên hệ gì với TPP, nhưng trong vài năm tới, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc về số đông dân số. Dân tộc Ấn hiền hòa và thanh lịch hơn Trung Quốc và họ đang tiến bộ vượt bậc về khoa học ứng dụng và những tiến bộ của họ có tính cách an sinh xã hội, khác hẳn với chính sách Trung Quốc là “xổ lông để trộ”. Chúng ta nên tiến lại gần hơn nước Ấn Độ. Tình bạn với nước dân chủ lớn nhất thế giới vừa an toàn, vừa có rất nhiều mối lợi cho đôi bên. Lý luận tương tự này có lẽ cũng áp dụng với nước Nga và vài nước khác không ở trong quỹ đạo TPP.
Làm như vậy chúng ta sẽ hưởng được cái lợi là có nhiều hiệp định với nhiều quốc gia. Thế giới ngày nay là những mối liên kết rộng rãi kể cả thao túng lẫn nhau, giống như một mạng nhện dệt căng. Người Pháp thường có câu khôi hài để nói lên tình huống chi phối lẫn nhau: “Anh cầm râu cằm tôi kéo, tôi cũng kéo râu cằm của anh” (je te tiens, tu me tiens par la barbichette). Chỉ cần kéo trên một đường dây nào sẽ làm co giãn tất cả đường dây khác. Nếu Việt Nam ký một trăm hiệp định cộng tác với 190 nước, chúng ta sẽ có hàng trăm dây để kéo và khó lòng nước nào có thể dễ dàng lấn ép chúng ta, kể cả Hoa Kỳ.
Điều thứ ba chúng ta nên chú ý tới một lợi thế vô cùng chiến lược ít nước nào có: Việt Nam là một nước nông nghiệp! Tại sao vậy? Đơn giản là nếu lúc nào chúng ta cũng có ăn, thì vào những tình huống xấu nào chăng nữa chúng ta cũng không cần vịn vào ai, vẫn có ăn. Nước Việt Nam lại có nhiều nước, đây là một đặc ân của tạo hóa. Sông và biển, nước ngọt và nước mặn. Chúng ta nhiều nước đến nỗi chúng ta gọi quốc gia của chúng ta là “đất - nước”. Trung Quốc đã “dại dột” đi theo mô hình công nghiệp hóa với bất cứ giá nào và từ nhiều năm họ đã “đốt” hết tất cả tài nguyên nước của mình. Hoa Kỳ đang choáng váng thiếu nước tại các bang miền Tây (California...). Ngay Malaysia cũng thiếu nước. Singapore thì hoàn toàn không có nước, phải rửa lọc nước thải để uống. Có nông nghiệp và có nước thì chúng ta có thể lạc quan mà sống tự tại.
Điều thứ tư đáng ghi nhớ là dân tộc chúng ta tuy ủy mị nhưng lại có óc sáng tạo rất phong phú. Mà thế kỷ thứ 21 là gì nếu không phải là thế kỷ của óc sáng tạo? Từ đó có thể kết luận rằng thế kỷ này là của chúng ta thì đi hơi nhanh nhưng chúng ta sẽ hùng mạnh thật nếu chúng ta thực hiện được ba loại đoàn kết, sẽ giúp trực tiếp và gián tiếp cho thế đứng của chúng ta:
Một là đoàn kết giữa mỗi người Việt với nhau, dù họ ở đâu trên thế giới. Hàng ngàn người Việt rải rác khắp nơi sẽ đóng góp cho hình ảnh một dân tộc cực kỳ sắc sảo và uyển chuyển.
Hai là đoàn kết giữa mỗi tập thể của xã hội với nhau. Ngày nay, chúng ta đang ưu tiên cho dân đô thị làm thiệt cho nông dân, thiên vị doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, thiên vị mảng địa ốc tức chúng ta làm dễ dãi cho tư duy “lấy đất làm giàu cho vốn nhàn rỗi” thay vì lấy trí tuệ và công sức để phát huy sức sống thật của giống nòi. Hãy bỏ chính sách thiên vị và hãy đoàn kết các tập thể.
Ba là đoàn kết giữa mọi giai đoạn lịch sử với nhau, có thế thì mới thực sự có cảm nhận rằng ai cũng là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, cũng như là kế thừa của Trần Hưng Đạo hay Hai Bà Trưng. Và có thế thì mọi chủng tộc ngoại bang mới cảm nhận được sự gắn bó của dân tộc Việt là như thế nào.
Trở lại Hiệp định TPP, theo tôi chúng ta sẽ có cơ hội học nhiều. Từ người Nhật, ngoài kỹ thuật của họ, là tính nhẫn nại và tư duy xã hội đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta sẽ ngẫm nghĩ về những lý do đã làm cho Singapore từ một làng chài trở thành một quốc gia trù phú, tuy nhỏ mà được kính nể. Chúng ta sẽ được chạm trán với Australia, một nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Bên cạnh dân tộc Chi Lê chúng ta sẽ hiểu hơn thế nào là lẽ cân bằng, tình huống hợp lý và vai trò của lý trí để chế ngự cảm xúc. Malaysia sẽ giúp chúng ta hiểu một bí quyết để đi nhanh. Họ đi theo tốc độ của dân nghèo (chứ không phải thành phần giàu) trong nước của họ, giống như đàn chim én bay theo tốc độ của con chim cuối đàn. Do đó, đất nước họ mới đoàn kết được như vậy, từ đó chúng ta mới hiểu tại sao mỗi cá nhân họ đi chậm rãi mà cùng một lúc tập thể của họ vẫn đi nhanh hơn các nước khác. Mexico sẽ dạy chúng ta nghệ thuật sống thật, hạnh phúc thật chứ không qua quít. Đối với dân tộc Mexico, kết quả không là gì nếu tập thể không vui, nếu mỗi cá nhân không hạnh phúc. New Zealand sẽ dạy cho chúng ta niềm hạnh phúc khi con người là bạn thực sự của thiên nhiên, không ăn cháo đá bát, không chặt cây để ăn cắp gỗ. Canada sẽ dạy cho chúng ta tính hiền hòa trung thực và là chìa khóa của hạnh phúc tập thể đấy. Peru cũng thế. Và Brunei sẽ là một tấm gương kỳ lạ. Tuy quan liêu, tất cả tài sản quốc gia nằm hết trong tay của ông Sultan, nhưng với một chính sách nhân ái lấy dân làm mục đích tối hậu thì sự quan liêu có những nét nhân ái đáng quý của nó. Và cuối cùng Hoa Kỳ sẽ dạy chúng ta, cũng như dạy Trung Quốc, thế nào là một quốc gia đi tìm sự bền vững bằng đủ mọi phương tiện. 300 triệu dân Mỹ cùng hướng vào việc xây dựng một xã hội bền vững, nơi mà mỗi người dân có cơ hội thực sự để tiến thân.
Với đặc tính của 11 quốc gia nói trên thì Việt Nam chúng ta quá may mắn khi gia nhập TPP bởi chỉ 12 nước mà đã thâu tóm 40% tổng sản lượng của thế giới.
Ta hãy cám ơn cơ hội đến với chúng ta. Nhưng cơ hội không phải đơn thuần là bán thêm giầy dép. Cơ hội là tiếp tay với các nước trên lưu vực Thái Bình Dương để bảo đảm cho lưu vực này một nền phát triển thực sự bền vững, nơi mà dân tộc của chúng ta sẽ hấp thụ thêm được nhiều đức tính, từ bỏ được nhiều khiếm khuyết, và cuối cùng tạo được thành tích hùng hồn.
Phan Văn Trường