Để mặc vừa chiếc váy biểu tượng của Marilyn Monroe tại Met Gala 2022, Kim Kardashian chia sẻ cô đã tuân thủ chế độ hà khắc giúp giảm 7 kg trong vòng ba tuần. Sau tuyên bố này, ngôi sao truyền hình thực tế đã bị nhiều người chỉ trích vì ủng hộ các chế độ giảm béo không lành mạnh. Một trong những biện pháp bị cộng đồng chuyên gia phản đối là đeo đai nịt bụng.
Đai nịt bụng là một loại áo lót giúp cố định vòng eo, tạo dáng đồng hồ cát bằng cách ép chặt vòng hai. Loại đồ lót này trở nên phổ biến trong những năm 2010 vì lời quảng bá từ các ngôi sao và người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, bao gồm gia đình Kardashian.
"Về cơ bản, chúng chính là những chiếc corsets. Thật đáng buồn khi thấy mọi người đang quay trở lại những năm 1800", Stephanie Faubion, Giám đốc Mayo Clinic về Sức khỏe Phụ nữ, cho biết.
Những người ủng hộ dùng nịt bụng trên mạng xã hội cho rằng việc đeo đai thường xuyên, trong khoảng thời gian vài tháng giúp họ có vòng eo thon gọn, thân hình đồng hồ cát và ăn ít hơn, thúc đẩy quá trình giảm cân. Nhiều người thậm chí đeo đai nịt bụng qua đêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết lợi ích của loại áo này đã bị phóng đại. Theo Daisy Ayim, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và sản phụ khoa tại Houston, một người có thể đeo đai vài giờ trong ngày khi mặc các bộ đồ bó sát để đạt mục đích thẩm mỹ nhất định. Tuy nhiên, đai nịt bụng không thể thay đổi hình dáng của vòng eo về lâu dài.
Ayim cho biết một người có thể giảm cân thụ động khi đeo đai, nhưng quá trình giảm cân này là do mất nước. Thông thường, các loại trang phục chật, không thoáng khí sẽ kích thích ra mồ hôi. Lượng cân nặng giảm đi nhanh chóng quay trở lại nếu người đeo đai uống bù nước, bởi việc đổ mồ hôi nhiều không làm tiêu hao mỡ bụng.
Đai nịt bụng cũng không thể làm giảm cảm giác thèm ăn. Trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Chăm sóc Sức khỏe Dự phòng Scandinavia, các chuyên gia đã kiểm tra việc mặc đai nịt có thể giúp tình nguyện viên duy trì cân nặng họ từng đạt được thông qua chế độ ăn ít calo hay không. Tác giả cuối cùng không thể đưa ra kết luận, bởi chiếc đai nịt quá khó chịu, người tham gia không thể mặc chúng trong thời gian dài.
Một số loại đai nịt trên thị trường dành riêng cho phụ nữ đang phục hồi sau sinh. Theo nghiên cứu năm 2017 công bố trên Tạp chí Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế, đeo đai nịt bụng sau sinh mổ giúp giảm đau và ngăn ngừa chảy máu. Trong những tình huống cụ thể, đai nịt bụng và áo nịt ngực có lợi, Natalie Toshkoff, nhà vật lý trị liệu cơ sàn chậu tại New York, cho biết. Nó có thể mang lại cảm giác dễ chịu, như một loại trang phục trợ lực cơ thể.
Dù các nghiên cứu còn hạn chế, nhiều chuyên gia cho rằng thường xuyên mặc đai nịt bụng để lại nhiều rủi ro.
Đầu tiên, nịt bụng hạn chế nhịp thở. Theo Toshkoff, đeo đai có thể o ép cử động của cơ hoành, vốn là cơ ngăn cách tim và phổi với các cơ quan khác. Cơ hoành co lại khi hít vào và thư giãn khi thở ra.
"Nhưng khi bạn đang đeo nịt bụng, cơ thể không thực hiện được hoàn chỉnh các chuyển động đó", bà Toshkoff nói. Việc sử dụng nịt bụng lâu hoặc nhiều lần không tốt cho hoạt động thở.
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh đeo đai nịt khi đang tập thể dục để giảm cân nhanh hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết điều này vô cùng nguy hiểm.
"Bạn đang nén cơ hoành của mình. Bạn không thể hít thở sâu khi tập thể dục. Nếu không đủ oxy cung cấp, bạn có thể ngất xỉu", Jennifer Wider, bác sĩ chuyên khoa sức khỏe phụ nữ tại New York, cho biết.
Bên cạnh đó, đai nịt còn ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng, Dena Barsoum, chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Bệnh viện Phẫu thuật Đặc biệt ở New York, nói. Sử dụng nịt bụng lâu dài có thể khiến các cơ quan di chuyển đến các vị trí bất thường, thậm chí cắt đứt lưu lượng máu cho phép chúng hoạt động bình thường. Các chuyên gia chưa thể kết luận những tổn thương này có vĩnh viễn hay không.
Nhiều thế kỷ trước, các bác sĩ đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân bị tổn thương nội tạng khi mặc áo nịt ngực. Trong nghiên cứu được công bố trên Cureus vào năm 2020, các chuyên gia cho biết mặc quần áo chật có thể gây tổn hại nội tạng do "chèn ép, bầm tím và thiếu máu cục bộ".
Áo nịt bụng cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, theo Dena Barsoum, chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Bệnh viện Phẫu thuật Đặc biệt ở New York. Nó gây ra tình trạng táo bón, ngăn chặn sự vận động bình thường và các dòng chảy vật chất qua ruột. Người đeo đai nịt có thể bị ợ chua, bởi nó tạo áp lực lên thực quản dưới, gây tình trạng trào ngược.
Nịt bụng cũng có thể gây suy yếu hệ thống cơ xương. Thông thường, cơ xương trở nên mạnh mẽ nhờ vào quá trình hoạt động. Đai nịt giữ eo ở vị trí cố định, khi ấy, các cơ sẽ không hoạt động. "Vùng cơ yếu đi vì chúng không phải đảm nhiệm bất kỳ công việc nào", Barsoum giải thích.
Để giảm vòng eo một cách khoa học, chuyên gia khuyến nghị ăn uống lành mạnh, giảm lượng carbohydrate, có trong đồ uống chứa đường hoặc bánh ngọt.
Thục Linh (Theo Washington Post)