Tôi dắt bộ về nhà, bỏ buổi làm việc trên cơ quan. Thật ra buổi làm việc của ông nhà báo, đến tôi cũng còn không biết có "thiết yếu" hay không. Không chỉ cửa hàng sửa chữa xe máy tư nhân, nhiều cơ quan nhà nước cũng đang bế quan tỏa cảng. Tuần vừa qua, gia đình anh bạn tôi đến thời hạn trả kết quả chuyển quyền sử dụng đất. Sau khi nộp đủ nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước hơn 30 triệu đồng cho việc nhận sang tên một căn hộ chung cư cũ ở Mỹ Đình, bạn tôi quay lại bộ phận một cửa - nơi vốn là điểm cuối: Trả sổ đỏ cho người dân sau khi xong phần nghĩa vụ. Trái ngược với không khí náo nhiệt vài tuần trước đó, nơi đây rất vắng lặng. Ông bảo vệ cũng chả buồn nhắc nhở khi có người dắt xe vào.
Hỏi thăm một nữ cán bộ ngồi trong bóng tối, không bật đèn thì chị này cho biết, cả bộ phận đang nghỉ. Tôi hỏi thế ngày 16 họ có có làm việc không? "Cũng còn tùy vào quyết định của Thủ tướng", nữ cán bộ nói xong thì đi vào sau để "giãn cách" với dân. Vào trụ sở văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận này thì một nữ cán bộ khác cho biết, ở đây chỉ giải quyết thủ tục cầm cố nhà đất liên quan đên ngân hàng. Còn việc cấp đổi sổ đỏ thì chưa thực hiện. Chị này ân cần hẹn sau khi Thủ tướng cho đi làm thì văn phòng sẽ giải quyết.
Chỉ thị về cách ly toàn xã hội đã được mỗi cơ quan, mỗi địa phương hiểu một cách. Có làng đắp đất, chặn đá, rào cổng. Có nơi tạo những barie sống - tổ nhóm dân quân tự vệ để ngăn chặn việc ra vào địa phương. Ở tầm cao hơn thì mỗi địa phương lại ban hành chính sách theo cách hiểu riêng của mình. TP Hải Phòng yêu cầu người dân muốn ra khỏi thành phố cảng phải có giấy do chủ tịch quận, huyện ký. TP Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh "hứa" bêu tên người đi chợ quá 2 lần/ngày; không đeo khẩu trang đến nơi công cộng. Danh sách những người vi phạm sẽ được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng như cổng thông tin điện tử, báo địa phương... TP Đà Nẵng từng định thu phí cách ly tập trung (gồm phí ăn, sinh hoạt và tiền ở theo chi phí của cơ sở cách ly tập trung) đối với người đến từ Hà Nội và TP HCM. Thái Bình không cho người dân từ vùng dịch vào tỉnh...
Rất, rất nhiều cách diễn giải chỉ đạo về giãn cách xã hội theo những bản sắc riêng, không nơi nào giống nơi nào. Ngay cả định nghĩa về "thiết yếu" cũng gây bão trên mạng xã hội. Thúng xôi có thể thiết yếu với bà bán xôi nhưng với bà bán bún thì không. Hàng sửa máy tính nghe rất không "thiết yếu" nhưng một đồng nghiệp của tôi tuần rồi phải chạy đôn chạy đáo mới tìm được chỗ sửa chiếc laptop với nhiều tài liệu, bài viết phục vụ cho báo. Hay mấy hôm nay, nhiều bạn bè tôi cùng lên tiếng trên mạng xã hội về việc đi tìm người cắt tóc ở nhà vì ít ai dám giao việc trọng đại đó cho... vợ.
Ngay cả báo chí, nhiều người trong số chúng tôi băn khoăn liệu công việc của mình có là thiết yếu. Có đồng nghiệp nói vui là báo chí nằm trong dấu ba chấm (...) sau dịch vụ tang lễ. Còn sự giải thích chính thức thì là cơ quan báo chí thuộc loại hình "cơ quan nhà nước" trong các văn bản về giãn cách xã hội. Giải thích này vẫn hơi khiên cưỡng dù có vẻ hợp lý.
Nếu bà bán xôi hay anh sửa xe nghỉ thì chúng ta có thể ngưng ăn xôi một vài ngày thậm chí cả tháng hay dắt xe máy về nơi gửi. Nhưng nếu ngừng trả sổ đỏ cho dân thì không khác gì thị trường chứng khoán ngừng giao dịch. Một lượng tiền không nhỏ giải ngân trên thứ tài sản đảm bảo đấy chứ đâu. Nghe chuyện, một anh bạn khác cũng giãi bày sự đau đầu vì sổ đỏ. Căn hộ anh bán trước lệnh giãn cách chỉ có thể nhận đủ tiền khi sang tên sổ đỏ. Mà những cán bộ trực tiếp trả sổ đỏ thì đang tạm nghỉ theo một nghiêm lệnh cấp Sở có hiệu lực trên toàn thành phố. Hàng tỷ đồng tiền vốn đọng lại và số phận gia đình anh chênh vênh giữa mùa dịch.
Sổ đỏ, đối với người dân là một tài sản mà nhiều người phải tằn tiện cả đời để có được. Nhưng đôi khi đối với cơ quan nhà nước, đó chỉ là tờ giấy A3 bìa đỏ có dấu quốc huy mà thôi. Vậy nên mới có câu chuyện, sổ đỏ không được coi là thiết yếu và những người liên quan đến việc trả sổ đỏ cho dân nghỉ hàng loạt như anh sửa xe hay bà bán xôi vậy.
Có người sẽ trách tôi vì giờ phút này cả nước đang cần đồng thanh nhất trí lại nêu ra vấn đề này. Nhưng chấp nhận vô điều kiện mọi cách diễn giải, mọi mệnh lệnh hành chính vì lý do "dịch bệnh" lại không phải là cách đồng lòng. Nó chỉ là bề mặt. Bên trong, chín mươi triệu con người vẫn bị thôi thúc hành động bởi những nhu cầu cấp bách. Hàng rào giãn cách xã hội sẽ yếu đi chính vì sự bằng mặt không bằng lòng.
Họ sẽ nhận sai nếu không đeo khẩu trang. Họ sẽ phải cúi đầu nếu trốn cách ly. Họ sẽ bị cả xã hội lên án nếu khai gian. Nhưng anh bạn tôi, gã trung lưu đang hụt cả tỷ bạc ngân sách gia đình vì thiếu sổ đỏ, giờ phút này sẽ sẵn sàng phá rào nếu như có cán bộ nào đó sẵn sàng giúp sức. Anh đã bấn loạn gọi điện cả tuần qua tìm cái "cửa" vô vọng nào đó. Chính tôi, nếu đổi vai thành một người lao động nghèo nào đó, hẳn sẽ vật nài trước cửa hàng sửa xe kia xin người chủ bỏ ra 5 phút vá lốp cho mình. Chấp nhận vô điều kiện chỉ làm hàng rào giãn cách xã hội mong manh hơn. Biểu hiện thế nào là "đi chợ"? Sao lại không quá 2 lần một ngày? Liệu có nên lén lút đi chợ nếu phát sinh lần thứ 3 trong ngày? Lờ đi sự bất nhất trong chỉ đạo không xóa đi những lời xì xào. Việc dân "tâm phục khẩu phục" mới là thứ bê tông quan trọng nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 này.
Có thành phố lớn ngời ngời uy tín phát triển, ra chỉ đạo kiểm soát phương tiện rồi thu hồi sau ba ngày. Có thành phố khác, lừng danh về quản lý đô thị, ra chỉ đạo thu phí cách ly rồi không thực hiện. Cung cách này tạo ra tâm lý gì, có tốt cho chống dịch không?
Không rõ ngoài sổ đỏ thì những nhu cầu khác của người dân như xin giấy phép xây dựng, xin đăng ký kết hôn, đính chính giấy tờ về nhân thân... liệu có phải thiết yếu?
Những mệnh đề trên có lẽ là những giả thiết tương đối bi quan, nhất là trong bối cảnh cả nước đang đồng lòng chống dịch. Tôi không định nói rằng mọi ví dụ mình nêu ra trên đây đều là "thiết yếu". Nhưng tính đa dạng của đời sống, và tính bất nhất trong diễn giải Chỉ thị 16 của các địa phương, thậm chí từng cơ quan sở ngành khiến người ta hỏi rằng bài toán lợi ích của dân – hay như tiến sĩ Lee Chang-hee, giám đốc ILO nói hôm qua trong chuyên mục này – cũng quan trọng với tính mạng của họ không kém gì phòng Covid-19, đã được cân đong kỹ lưỡng chưa?
Ở đây, điều quan trọng hơn vẫn là cách ứng xử giữa cơ quan nhà nước với người dân. Chính quyền có thể coi mọi lĩnh vực dân doanh là không thiết yếu và tạm thời đóng băng các dịch vụ này. Nhưng phải coi những đòi hỏi chính đáng của người dân, dù nhỏ, là thiết yếu. Và khi người dân trong thời kỳ giãn cách xã hội phải đến cơ quan hành chính để "xin" thì đều là thiết yếu cả. Không phải ngẫu nhiên mà bao nhiêu năm nay người dân vẫn dùng cái từ xin đầy yếu thế ấy, dù nó sai bản chất quan hệ giữa nhân dân và người phục vụ nhân dân. Trong những cụm từ "xin cấp" ấy đã đầy sự khẩn nài.
Cả nước đang đồng lòng chống dịch, những người bạn của tôi rồi sẽ gắng gượng cảm thông, người lao động có đói cũng không dám mở miệng oán trách. Nhưng vừa cố tin tưởng, trong đầu người dân vẫn bâng quơ hỏi: "Sao mỗi cơ quan lại được phép phiên dịch khác nhau nhỉ?".
Trần Anh Tú