Trẻ quá nhút nhát
Những thay đổi nhỏ của môi trường xung quanh, sự xuất hiện của người lạ khiến những đứa trẻ có tính cách này cảm thấy sợ hãi, bất an. Các bà mẹ có thể tự giúp mình thoát khỏi cảnh bị đeo bám bằng cách hình thành cho con tính độc lập, tự tin. Mỗi lúc bé cảm thấy sợ hãi, bạn đừng la mắng vì chỉ làm cho bé thêm cuống lên. Bạn hãy nhẹ nhàng an ủi và giúp bé vững tin hơn bằng cách thỏa thuận với nó: "Con có thể cầm tay mẹ một lúc khi chúng ta đi công viên nhưng ở nhà thì không cần làm thế", hay "Để mẹ nấu cơm cho cả nhà, sau đó mẹ con mình sẽ chơi với nhau một lúc". Từng bước một, bạn giảm dần sự phụ thuộc của trẻ vào người lớn và hãy khen trẻ khi nó không còn đeo bám bạn.
Trẻ muốn hướng sự chú ý của người lớn
Con bạn đã quen được là trung tâm chú ý của cả nhà. Bạn phải hết sức khéo léo trong trường hợp này, vừa giả vờ như không nhận thấy những đòi hỏi của trẻ và vẫn tiếp tục công việc của mình, vừa thể hiện sự quan tâm của bạn đối với trẻ vào những lúc cần thiết để nó không cảm thấy bị bỏ rơi. Nếu bạn đang nói chuyện với ai thì cứ tiếp tục câu chuyện, không để ý tới những cái giật áo kéo tay của bé. Nhưng sau khoảng 10 phút, bạn hãy quay lại với bé và nói rằng con thật giỏi, không làm ầm ĩ lúc mẹ đang nói chuyện với khách. Kết hợp cả hai cách này sẽ giúp trẻ học được cách thu hút sự chú ý của người lớn bằng cách tích cực hơn.
Trẻ đang cảm thấy bất ổn và sợ hãi
Có những đứa trẻ bình thường không biết sợ là gì nhưng đôi lúc vẫn đeo bám mẹ. Nguyên do có thể trẻ cảm thấy bất ổn, đặc biệt trong trường hợp bố mẹ cãi nhau, bất hòa hoặc là trong gia đình xuất hiện em nhỏ và bé cảm thấy ghen tỵ với em. Trong trường hợp này, bạn không nên bỏ rơi trẻ, hãy quan tâm gần gũi trẻ để nó cảm thấy mình được yêu thương.
Với sự nhạy cảm của người mẹ, bạn hãy tìm hiểu những nguyên nhân để có cách ứng xử thích hợp.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị, số 11)